Ngày 28/12,Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã tổ chức họp phiên thứ 9. Nhiều nội dung được đề cập. Trong đó có việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; tình hình, kết quả công tác phòng chống tham nhũng năm 2015, nhiệm vụ năm 2016; sơ kết 3 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. 

Từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng được thành lập, trực tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được triển khai tích cực, có tác dụng thiết thực trên nhiều mặt. Nhưng một câu hỏi vẫn nhức nhối lòng dân, thử thách niềm tin của dân, vì sao chống tham nhũng lại khó đến thế?!

tham_nhung_sygh.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 28/12

Nói là khó vì người dân nhìn thấy tham nhũng diễn ra hằng ngày, ở nhiều lĩnh vực nhưng họ lại phải chấp nhận như “sống chung với lũ”. Nó là số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố chẳng thấm tháp vào đâu so với thực tế; là mức án “lấy lệ” đối với tội phạm tham nhũng; là tình trạng đơn thư tố cáo lòng vòng để rồi cuối cùng lại chìm vào quên lãng, gây chán nản cho người dân; là con số chỉ 5 người không trung thực trong hơn 1 triệu người kê khai tài sản. 

Điều đó thể hiện ngay trong đánh giá của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng của thành phố Hồ Chí Minh: “Tham nhũng đang trở thành nguy cơ chính đe dọa sự ổn định chính trị, sự tồn vong của chế độ; xói mòn giá trị dân chủ, giá trị đạo đức, công lý xã hội và cản trở đến việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững…”

Từ thực tế ấy, lại một câu hỏi được nêu lên, vì sao đã biết nguyên nhân, đã đưa ra giải pháp nhưng vẫn không ngăn chặn được tình trạng tham nhũng, tội phạm tham nhũng?! Cũng đã có nhiều cách lý giải. Ví như còn nhiều lỗ hổng trong hệ thống văn bản pháp luật chống tham nhũng. Ví như cơ chế quản lý kinh tế, quản lý xã hội, quản lý con người chưa chặt chẽ. 

Ví như việc truy trách nhiệm cá nhân, xử lý trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu nơi xảy ra tham nhũng chưa thực sự nghiêm túc, nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Nhưng bất luận lý do gì thì có một thực tế là, hành vi tham nhũng, tội phạm tham nhũng luôn làm tổn thương xã hội, gây thiệt hại cho người dân và ngày thêm xói mòn lòng tin của dân. 

Những con số, hơn 200 vụ án với 460 bị can phạm tội tham nhũng được cơ quan Công an thụ lý, điều tra; 266 vụ, với hơn 590 bị can bị Viện Kiểm sát nhân dân truy tố; 253 vụ án hơn 530 bị cáo về tội danh tham nhũng được ngành Tòa án nhân dân xét xử; gần một nghìn tỷ đồng thiệt hại do tham nhũng gây ra cho xã hội trong năm 2015... không làm chúng ta an lòng mà dường như, càng khiến chúng ta thêm đau lòng.

Ai cũng rõ, chỉ những người có chức, có quyền lực mới có cơ hội tham nhũng. Không những vậy, họ còn cố tình tạo ra những lỗ hổng trong chính sách để bản thân và nhóm lợi ích dễ dàng thực hiện hành vi tham nhũng. Và hành vi tham nhũng ở chính ngay trong cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, người có trách nhiệm thi hành quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng. Đó cũng là nguyên nhân khiến công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng ì ạch, khó khăn.

Chỉ thị 50-CT của Bộ Chính trị vừa ban hành đã yêu cầu “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát công tác phát hiện, xử lý tham nhũng đối với cơ quan, đơn vị chức năng có nhiệm vụ trực tiếp thực hiện công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”. 

Tại phiên họp thứ 9, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ ra rằng: “Đây là cuộc đấu tranh trong mỗi con người, mỗi tổ chức. Do đó, các cá nhân, ban ngành phải thấy hết trách nhiệm để có quyết tâm cao”. Và ngày 28/12, trong Dự thảo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, Chính phủ cũng nêu rõ việc tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, nhất là trong các cơ quan, đơn vị phòng, chống tham nhũng, cơ quan bảo vệ pháp luật. Bởi rõ ràng là, “Cán bộ làm công tác chống tham nhũng mà tay đã nhúng chàm thì không thể chống được tham nhũng!”.

Vì thế, muốn phòng chống tham nhũng thành công, muốn không còn nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ thì trước tiên phải dũng cảm thanh lọc những con người có bàn tay đã nhúng chàm, dẫu đó là cuộc đấu tranh đầy phức tạp, khó khăn. 

Trong rất nhiều giải pháp đã đưa ra, đã thực hiện, thêm việc làm quyết liệt này, thêm quyết tâm thực sự của Đảng, của Chính phủ, năm 2016 và giai đoạn tiếp theo, hiệu quả của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng sẽ được nhìn thấy, lòng dân sẽ bớt bất an./.