Tại Phiên họp này, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với các báo cáo về: tiến độ thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư - Trưởng ban Chỉ đạo tại phiên họp lần thứ 8; Kết quả xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc, Tỉnh uỷ, thành uỷ chỉ đạo xử lý từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay; Kết quả rà soát tổng thể các cuộc thanh tra kinh tế- xã hội tại địa phương theo Hướng dẫn số 06  của Ban Nội chính Trung ương; tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2016; sơ kết 3 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo; Chương trình công tác trọng tâm năm 2016 của Ban Chỉ đạo.

tbt3_xycs.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp.

Liên quan đến công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, trong năm 2015, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 216 vụ, với 460 bị can; Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 266 vụ với 591 bị can; Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 253 vụ với 531 bị can. 8 vụ án trọng điểm được Ban Chỉ đạo yêu cầu đưa ra xét xử trước Đại hội XII của Đảng được thực hiện đúng tiến độ, xã hội đồng tình. Đến nay đã xét xử 6 vụ, 1 vụ đang xét xử, 1 vụ đã có lịch xét xử.

Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đồng tình với nhận định, đánh giá của các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương là việc phòng, chống tham nhũng trong năm 2015 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã chuyển biến tích cực. 

Trong đó nổi bật là nhiều văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước về phòng chống tham nhũng đã được xây dựng và ban hành kịp thời như việc kê khai tài sản; Chỉ thị 50 của Bộ chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. 

Nhiều bộ luật quan trọng liên quan đến công tác này cũng vừa được Quốc hội thông qua như Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật tố tụng hình sự sửa đổi, Luật Tổ chức các cơ quan điều tra hình sự… Việc ban hành các cơ chế, chính sách, các thể chế cải cách thủ tục hành chính nhằm mục đích ngăn chặn tham nhũng từ gốc. Điều quan trọng là phải tiếp tục thể chế để thực hiện cho hiệu quả. 

Tổng Bí thư phát biểu tại phiên họp.

Hoạt động của Ban Chỉ đạo quyết liệt, bài bản, nghiêm túc, nền nếp, thường xuyên kiểm điểm các công việc đã làm được hoặc chưa làm được tại các phiên họp; đồng thời phát hiện những khâu yếu để khắc phục góp phần tăng tính hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng như giám định, án treo nhiều, thu hồi tài sản do tham nhũng mà có hay tăng cường kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực ngân hàng, thuế, hải quan…Cơ chế phối hợp và trao đổi giữa các thành viên trong Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo ngày càng phát huy tác dụng, xử lý kịp thời những vấn đề nảy sinh trong thực tế thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị trên cơ sở những kết quả tích cực đã đạt được, thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu về hình thức cung cấp thông tin phù hợp để cán bộ, đảng viên, nhân dân biết nhiều hơn nữa những kết quả trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tổng Bí thư nhấn mạnh: phòng phải đi đôi với chống.

Tổng Bí thư đề nghị Ban Nội chính Trung ương, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiếp thu ý kiến nêu tại phiên họp thứ 9 này để hoàn thiện các báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ năm 2016; báo cáo sơ kết 3 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo. Yêu cầu chung là các báo cáo cần có tính khái quát cao, nêu những bài học kinh nghiệm rút ra trong 3 năm qua ở cả Trung ương và địa phương; phải gắn liền với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Đặc biệt cần đánh giá chính xác thực trạng tham nhũng hiện nay; các biện pháp vừa qua có tác dụng ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng không.

Phiên họp thứ 9 Ban Chỉ đạo Trung Ương về phòng, chống tham nhũng.

Về nhiệm vụ của năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Năm tới, sau Đại hội XII của Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng phải được quan tâm đẩy mạnh hơn nữa, có bước tiến mạnh hơn nữa, hiệu quả rõ ràng hơn. 

Theo điều tra dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương, một trong những điều mà dân bức xúc bây giờ vẫn là tham nhũng…Đây cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, phức tạp, đấu tranh trong mỗi con người, mỗi tổ chức. Phải thấy hết trách nhiệm để quyết tâm cao hơn, sắp tới làm quyết liệt hơn, kiên trì, kiên quyết với phương pháp đúng, làm bài bản, có cơ chế, nguyên tắc, phối hợp với nhau để hạn chế tiêu cực.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần tiếp tục quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp, công tác phòng, chống tham nhũng. Mỗi người phải gương mẫu, trong sạch thì mới phòng, chống tham nhũng được; phải “đúng vai, thuộc bài”: Làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình tức là đúng vai. Thuộc bài là thuộc luật pháp, thuộc cơ chế, chính sách, những quy định của Đảng, không chồng chéo nhau, phối hợp tốt thì nhất định công việc đạt kết quả tốt.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng cùng với việc sơ kết 3 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, sắp tới còn có Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Hai hoạt động này liên quan với nhau và bổ sung cho nhau để công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả ngày càng cao./.