Dù đã ở tuổi gần 90 và đang phải chóng chọi với bệnh tật, nhưng khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, bà Vũ Thị Hải Nguyệt (tức Vũ Thị Minh Hằng), bác sĩ quân y, người từng được giao trọng trách chăm lo sức khoẻ cho Đại tướng trong những năm đầu chống Pháp tại chiến khu Việt Bắc nước mắt cứ giàn giụa… Bà bảo, niềm hạnh phúc lớn lao nhất của cuộc đời mình là được phục vụ quân đội, được chăm sóc sức khoẻ cho "anh Văn" - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ngày độc lập của nước nhà năm 1945 cũng là ngày cô nữ sinh Hà Nội - Vũ Thị Hải Nguyệt tròn 17 tuổi. Chứng kiến các anh bộ đội trở về Thủ đô, trong trái tim của cô gái tuổi có một khát vọng duy nhất là phải làm sao để được vào phục vụ quân đội. Được sự giới thiệu của một cán bộ chỉ huy, Vũ Thị Hải Nguyệt cùng ba người bạn nữa được vào phục vụ quân đội tại Ban y tế Vệ quốc đoàn do đồng chí Vũ Văn Cẩn (sau này là Bộ trưởng Bộ Y tế) làm trưởng ban. Với khả năng chuyên môn khá của một nữ hồng thập tự quân đội, tháng 3/1947 Vũ Thị Hải Nguyệt được chuyển sang phục vụ tại Cục quân giới. Ba tháng sau, bà được cử sang Bộ quốc phòng để chăm sóc sức khoẻ cho anh Văn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đại tướng (ngoài cùng bên phải), bà Hằng (thứ 2 từ trái sang) cùng đọc báo với các đồng đội ở Việt Bắc năm 1948 |
Bà Vũ Thị Hải Nguyệt nhớ lại: “Trước khi làm việc cùng Đại tướng, tôi nghĩ không biết ở với Đại tướng thì như thế nào? Nhưng sự thật thì một ông Đại tướng rất gần gũi cán bộ, dù ít tuổi cụ cũng rất trân trọng, quan tâm. Chính tác phong của cụ đã khiến tôi học tập suốt cuộc đời phục vụ trong quân đội của tôi, và ngay cả đạo đức của cụ cũng ảnh hưởng đến tôi rất nhiều”.
Trong cuốn hồi ký của mình, nhắc lại những năm tháng được chăm sóc sức khoẻ cho Đại tướng, cô nữ sinh Hà Thành ngày nào đã không giấu được xúc động: “Đó là quãng thời gian không bao giờ phai trong tâm trí. Một kỷ nịêm đặc biệt mà không phải ai cũng có được”. Với nhiệm vụ của mình, Vũ Thị Hải Nguyệt thấu hiểu được công việc của vị Tổng tư lệnh bộn bề đến nhường nào. Mỗi ngày Đại tướng chỉ chợp mắt vài tiếng đồng hồ, nhưng Đại tướng luôn tỉnh táo và linh hoạt trong mọi công việc.
Bà Vũ Thị Minh Hằng đến chúc mừng sinh nhật Đại tướng năm 1996 |
Một đêm rất lạnh, đơn vị hành quân đến một bản đồng bào người Dao thì có lệnh nghỉ lại. Đại tướng xếp Vũ Thị Minh Nguyệt nằm trong cùng, giáp vách liếp, đến chị Bích Hà (phu nhân Đại tướng) và ngoài cùng là Đại tướng. Bà bảo, Đại tướng xếp như vậy là để bảo vệ phụ nữ trong một diện tích hẹp, lại có nhiều nam giới. “Rồi mọi người ngủ thiếp đi... Khi giật mình tỉnh dậy, hé mặt nhìn sang phía bếp lửa, tôi thấy anh Văn đang chụm đầu trên tấm bản đồ bàn bạc việc gì đó với anh Hoàng Văn Thái - lúc này là Thiếu tướng, Tổng tham mưu trưởng. Chắc là anh Thái đến báo cáo tình hình chiến sự. Đúng như thế, đêm nay anh Văn lại không ngủ. Anh Hoàng Văn Thái vừa xuống thang gác, thì anh Văn gọi tất cả chúng tôi dậy, tiếp tục hành quân. Vì một mũi của quân đội Pháp thọc vào, cách chúng tôi không xa lắm, bà Nguyệt nhớ lại.
Có lần di chuyển cơ quan giữa ban ngày, thì chợt bên kia rừng có tiếng một người bạn gọi: “Hải Nguyệt ơi!". Tôi buột miệng giơ tay đáp lại. Tối hôm đó, đến chỗ nghỉ, anh Văn nói nhẹ nhàng với tôi: "Khi hành quân phải tuyệt đối giữ bí mật. Ai gọi cứ ngậm tăm mà đi. Như thế là hôm nay ta lại bị lộ hướng hành quân rồi. Vì các bạn của cô đều biết cô đang công tác ở phòng bí thư, đúng không?". Tôi hoàn toàn nhận khuyết điểm, vì còn thiếu kinh nghiệm. Anh Văn quyết định tôi phải đổi tên. Tôi học được một bài học về công tác bí mật và đồng ý đổi tên ngay. Anh Văn là người gợi ý nên lấy tên Hằng, vì anh liên tưởng từ Nguyệt là mặt trăng, thì Hằng cũng là mặt trăng. Chị Bích Hà nghe nói thế thì tán thành ngay. Nhưng chị Bích Hà là con gái lớn của GS. Đặng Thai Mai - có nòi về văn học... nên chị đề nghị, nếu chỉ một chữ Hằng không thôi thì không hay, phải có từ đệm mang một ý nghĩa gì đó. Chị Bích Hà đề nghị thêm chữ “Minh” là sáng, thành tên Minh Hằng - Trăng sáng”. Đại tướng cười tán thành cái tên hay quá, nên Hải Nguyệt rất thích và từ đó đến nay Minh Hằng đã trở thành tên của bà.
“Tôi trân trọng cái tên ấy suốt cả cuộc đời. Cho đến khi về hưu, ở vùng này không ai biết tên Nguyệt, mà chỉ biết là bà Hằng. Nghĩ mình rất vinh dự được Đại tướng đặt tên cho, mà không phải ai cũng có được. Bây giờ cả họ cũng gọi thế, tất cả gọi là Hằng, cái tên kia chỉ là tên cúng cơm. Thật vinh dự, cái tên rất ý nghĩa”,bà xúc động nói.
Bà Vũ Thị Minh Hằng |
Sau mười năm phục vụ quân đội, Vũ Thị Minh Hằng được kết nạp vào Đảng ở một lớp học dài hạn, học viên toàn cán bộ cốt cán của ngành quân y. Minh Hằng tuyên thệ phấn đấu để trở thành một đảng viên xứng đáng với danh hiệu cao quý đó.
Gần 90 tuổi, với bà mùa thu này là một sự mất mát quá lớn. Bởi, người anh, người thủ trưởng đáng kính của mình đã mãi mãi đi xa. Bệnh tật không cho phép bà được đến tận nơi để tiễn biệt anh Văn lần cuối. Nghĩ về Đại tướng, đôi mắt bà ngấn lệ, những ngón tay gầy guộc nâng niu từng kỷ vật, từng tấm ảnh chụp chung với Đại tướng và các đồng chí, đồng đội nhớ về một thời Việt Bắc./.