Trong thời gian ngắn ngủi thăm lại Điện Biên nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không quên dành thời gian để gặp lại và nói chuyện với những người cựu chiến binh của chiến dịch. Không gian ngắn ngủi trong buổi gặp gỡ tại Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1 không đủ  cho những câu chuyện dài, những hàn huyên, chia sẻ với những đồng đội đã vào sinh ra tử, cùng ông làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa.

tuong1.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chào đồng bào Điện Biên từ cửa máy bay, tháng 4/2004 (Ảnh: Hữu Tiến)

Cũng như nhiều nhà báo khác đã từng có dịp được phỏng vấn, tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tư liệu, băng ghi hình hay băng âm thanh đều được các tác giả cất giữ cận thận ở những vị trí trang trọng nhất. Thế nên, việc tìm lại băng âm thanh cuộc nói chuyện của Đại tướng với những cựu chiến binh Điện Biên Phủ khá thuận lợi.

Lo lắng nhất là không biết sau gần 10 năm, chất lượng âm thanh ghi âm Đại tướng như thế nào. Chỉ đến khi trực tiếp được nghe lại những lời dặn dò của Đại tướng trong băng ghi âm, tôi mới thực sự yên tâm. Cũng như bao người khác, tôi cùng mong mỏi được nghe lại  thật nhiều giọng nói của Tổng Tư lệnh, được nhìn thấy Đại tướng thật nhiều qua những bức ảnh, những thước phim… để thấy Đại tướng vẫn còn đó, tài tình, bình dị, gần gũi mà cao cả như huyền thoại.

Càng nghe lại những lời dặn của Đại tướng, càng toát lên ở ông bản lĩnh của một vị tướng tài, thấm thía tình yêu thương của Đại tướng dành cho dân, cho nước, người một lòng vì sự nghiệp bảo vệ xây dựng đất nước.

Hội trường tỉnh Điện Biên hôm ấy như chật hơn, không còn một chỗ trống. Những người lính năm xưa không muốn ngồi mà đứng nghiêm tại mỗi hàng ghế như sẵn sàng đợi lệnh của Tổng chỉ huy. Nhiều người cho biết, họ đứng vì nhỡ đâu khi ngồi xuống ghế, Đại tướng đến lại không kịp chào, không kip nhìn vị Tổng chỉ huy năm xưa ở vị trí gần nhất.

Trong những mái đầu bạc hôm ấy, người còn lành lặn, nhưng nhiều người cơ thế không còn nguyên vẹn. Các ông, các bác đã để lại một phần xương máu trên chính mảnh đất này để có một Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” nửa thế kỷ trước. Những cựu chiến binh tranh thủ hỏi thăm nhau về gia đình, về cuộc sống hiện tại và cuối cùng vẫn trở về những kỷ niệm chiến đấu bên nhau năm xưa, về sự tài tình trong chỉ huy chiến dịch của tướng Giáp.

Câu chuyện chỉ dừng lại khi có nhiều tiếng râm ran truyền tai nhau, Đại tướng đền rồi các đồng chí ơi! Tất cả những người có mặt trong hội trường đều hướng ra cửa vỗ tay không ngớt chào đón Đại tướng với những ánh mắt thân thương và thán phục.

Đại tướng duyệt đội danh dự, tháng 4/2004 (Ảnh: Hữu Tiến)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp giơ cao tay vẫy, bắt tay những đồng chí khi tiến lên phía trên của Hội trường. Bất chợt ông dừng tại, nắm thật chặt cánh tay một người đồng đội gần hàng ghế đầu. Một thương binh nặng chỉ còn một cánh tay. Nói nhỏ gì đó với đồng chí thương binh rồi Đại tướng lắc lắc bờ vai người lính cũ với ánh mắt đôn hậu, tay ông chỉnh lại tấm huy chương trên ngực áo của người lính thương binh cho ngay ngắn rồi rồi tiếp tục tiến lên bục hội trường. Bắt đầu từ đây, cả hội trường im phăng phắc đợi chờ tiếng của vị Tổng Tư lệnh vang lên.

“Xin chào tất cả các đồng chí”. Đại tướng dõng dạc giọng nói miền Trung trầm ấm, uy nghiêm, thân thương mà trìu mến. Rồi Đại tướng hỏi to: Các đồng chí có tự hào về chiến thắng Điện Biên Phủ không?”. Tiếng đồng thanh đáp “Có ạ” vang dậy cả hội trường.  

Rồi Đại tướng nói: “Chúng ta tự hào về chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là chiến thắng rất vẻ vang, trong đó các chiến sĩ Điện Biên đã đóng góp to lớn vào chiến thắng lịch sử tiêu diệt giặc ngoại xâm, không chỉ mang tính lịch sử với đất nước ta mà còn có tác dụng giúp nhiều nước trên thế giới tự giải phóng”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: Để muôn đời sau biết đến chiến thắng Điện Biên Phủ thì phải giữ gìn cho được Di tích, coi đó là nhiệm vụ thiêng liêng: “Điện Biên là địa danh của lịch sử có tầm cỡ thế giới. Vì vậy, nhiệm vụ của nhân dân và cựu chiến binh dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Mặt trận, tôn tạo giữ gìn di tích lịch sử đó, coi đó là nhiệm vụ thiêng liêng, đó là xương máu của bao anh hùng liệt sĩ và các đồng chí cựu chiến binh Điện Biên và của quân dân cả nước. Tôi rất mừng là di tích lịch sử Điên Biên Phủ được đầu tư, giữ vững nhưng chúng ta là quân nhân nên phải nói thẳng, cũng có một phần di tích bị xâm phạm. Đó là điều không thể bỏ qua được. Vì thế hôm nay tôi dặn các đồng chí và nhân dân ở đây điểm thứ nhất là phải giữ vững, tôn tạo, bảo vệ di tích lịch sử của chiến dịch Điện Biên Phủ vĩ đại mãi mãi sau này để  lại cho các thế hệ sau. Các đồng chí phải làm cho bằng được vì đó là nhiệm vụ thiêng liêng…”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp vui mừng chia sẻ với những thành tựu kinh tế, xã hội của tỉnh Điện Biên từ khi được tái lập tỉnh; mong muốn Điện Biên ngày càng phát triển về mọi mặt, nhất là kinh tế, tinh thần, văn hóa, để tiến nhanh, tiến mạnh, tiến kịp miền xuôi, làm cho nhân dân ấm no, hạnh phúc theo đúng ước nguyện của Bác Hồ.

Đại tướng nhắc nhở, đất đai, tài nguyên của Điện Biên rất thuận lợi, con người thì anh hùng gan dạ, cần cù, chịu khó. Để giàu mạnh phải đoàn kết, biết thương yêu nhau. Cả hội trường cười ồ lên khi Đại tướng khen: “Hôm qua ăn gạo Điện Biên ngon quá” và không quên căn dặn phải giữ được rừng Điện Biên. Sẽ không ai có thể quên được sự nhắc nhở, phê bình của Đại tướng, nhẹ nhàng mà lại thấm thía đến thế.

Đại tướng nói: “Hôm qua tôi có nghe báo cáo, may mắn là Điện Biên có nhiều tiềm năng về đất đai, tài nguyên, môi trường. Hôm qua tôi ăn gạo Điện Biên ngon quá, có lẽ là ngon nhất cả nước mà năng suất lớn. Thế còn rừng Điện Biên thì sao. Lãnh đạo tỉnh báo cáo “phần lớn giữ vững được diện tích rừng”, nhưng tôi muốn bớt đi một chữ “lớn” thành  “một phần được giữ vững”… Rừng Tây Bắc có phạm vi rộng nên rất quan trọng với môi trường sinh thái, nông nghiệp, đối với các dòng sông. Vì vậy nhiệm vụ là tỉnh phải giữ vững và trồng thêm rừng, cầy ăn quả nữa để phát triển kinh tế. Tôi đi trên máy bay nhìn xuống nếu  họa sĩ thì sẽ khen  đẹp, vì có  nhiều màu vàng xanh, màu trắng. Màu trắng là gì các đồng chí, chính là đồi núi trọc đấy. Nói thế tức là ở tỉnh ta không phải không có phá rừng đâu. Địa phương phải kiểm điểm lại, giữ rừng, để có được nhiều cánh rừng, nhiều cánh đồng mười tấn ấm no”.

Tại cuộc nói chuyện này, ngoài căn dặn lãnh đạo và nhân dân tỉnh Điên Biên phải bảo vệ di tích lịch sử Điện Biên Phủ, giữ rừng và phát triển rừng. Vị Tổng Tư lệnh không quên lưu ý lãnh đạo phải biết lo cho dân, để dân ngày càng giàu mạnh, ấm no, hạnh phúc, có cơm ăn, áo mặc, các cháu được học hành.

Với tỉnh Điện Biên và Lai Châu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn đặc biệt lưu ý: Là hai tỉnh giáp với các nước anh em, phải tăng cường đoàn kết, cùng xây dựng và phát triển; bảo vệ chủ quyền Tổ quốc; giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán của các dân tộc, coi đó là vốn quý. Quan tâm phát triển du lịch nhưng phải giữ được truyền thống mến khách khi bạn bè đến với di tích Điện Biên Phủ….

Đã nửa tiếng đồng hồ trôi qua mà lúc nào hội trường cũng im phăng phắc lắng nghe từng lời của Đại tướng. Buổi gặp hôm nay là cuộc gặp có tính lịch sử, rất quan trọng. Đại tướng không quên một lần nữa chuyển lời chào tới toàn thể đồng bào các dân tộc, các lực lượng vũ trang, gửi lời hỏi thăm của Đại tướng tới các cụ cao tuổi. Còn với những cựu chiến binh Điện Biên năm xưa, vị tướng già không quên nhắc lại câu nói sẽ còn lưu danh mãi “Gặp lại nhau đây là quý lắm rồi”.

Đại tướng nói: “Các đồng chí nhớ rằng, buổi gặp hôm nay là rất quan trọng, nói là mang tính lịch sự thì hơi to tát nhưng với tôi rất có ý nghĩa. 50 năm, tôi trở lại Điện Biên, tôi rất xúc động, Nhờ các đồng chí chuyển lời đến toàn thể đồng bào, lời cảm ơn vì sự đón tiếp tôi của đồng bào các dân tộc, đồng chí bộ đội, cựu chiến binh. Tôi chỉ căn dặn các đồng chí phải kính già, thương trẻ, cho Đại tướng chuyển lời hỏi thăm các cụ cao tuổi, chúc các cháu ngoan và học giỏi. Tất cả cùng vươn lên cùng làm nên những Điện Biên Phủ lớn nhỏ khác về kinh tế, văn hóa, xã hội, thu hút khách quốc tế. Lời cuối cùng tôi chỉ xin muốn nhắc lại câu “Gặp lại nhau đây là quý lắm rồi”.      

Những tràng pháo tay như không bao giờ ngớt, ai cũng muốn được nhìn thêm chân dung Đại tướng, được nghe ông nói, để thêm tự hào vì những gì đã cống hiến cho Tổ quốc. Những giọt nước mắt trên những khuôn mặt mà năm xưa khi cùng nhau vào sinh ra tử, hiên ngang trước bom đạn kẻ thủ họ không bao giờ khóc.

Có lẽ hơn ai hết, những cựu chiến binh là những người hiểu sâu xa nhất câu nói của Đại tướng “Gặp lại nhau đây là quý lắm rồi”. Ai cũng muốn được đứng gần Đại tướng hơn trong những bức ảnh chụp chung với Tổng chỉ huy. Trách ông trời sao được khi đó lại là những bức ảnh cuối cùng với vị Tổng chỉ huy Chiến dịch Điện Biên.

Xa quê bao năm lo việc dân, việc nước, giờ về cõi vĩnh hằng, Đại tướng lại về với quê hương Quảng Bình - nơi miền Trung đầy nắng gió, thiên tai mà mới đây nhất, những ảnh hưởng của cơn bão số 10 vẫn còn đó. Có lẽ những ngày qua là thời gian mà những cựu chiến binh hiểu sâu xa nhất ý nghĩa câu nói của Đại tướng.

Biết bao giờ mới gặp lại được Đại tướng để được nghe dặn dò, chia sẻ. Cầm lòng sao được khi nghe lại lời căn dặn ấy của Đại tướng. Lời căn dặn được rút ra từ tâm gan của một vị tướng tài ba trận mạc trước sinh mạng của quân sĩ.

Thế nên Đại tướng mới khác biệt với nhiều vị tướng khác, không phải chiến thắng bằng mọi giá và khi chiến thắng, tất cả đều phải biết nâng niu giá trị và cuộc sống hiện tại mà mình đang có./.