Nghiên cứu và giảng dạy lịch sử trong nước và thế giới, từng có thời gian giảng dạy lịch sử ở châu Phi ( Ma-đa-gat-xca), Giáo sư sử học Vũ Dương Ninh cho biết: chiến thắng Điện Biên Phủ và tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ lâu đã gần gũi và gắn bó với nhân dân châu Phi. Thậm chí, một vị nguyên thủ ở châu Phi đã nói: Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là Đại tướng của Việt Nam mà còn là Đại tướng của châu Phi.

An-giê-ri ảnh hưởng trực tiếp Chiến dịch Điện Biên Phủ

Ngược dòng thời gian, vào những năm 40-50 của thế kỷ trước, GS  Vũ Dương Ninh cho biết, tại thời điểm đó, phần lớn các nước vẫn ở trong tình trạng thuộc địa của Tư bản, Đế quốc. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên làm cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 tuyên bố độc lập và sau đó đứng lên đánh thực dân Pháp.

Trong suốt quá trình Việt Nam chống Pháp, nước ta đã gây được tiếng vang trên thế giới, đặc biệt đối với các nước thuộc địa. Ngay chiến thắng Việt Bắc (1947- chiến thắng đầu tiên của Việt Minh), nước ta đã được các nước châu Phi chú ý. Và đến khi Việt Nam tiến hành chiến dịch Điện Biên Phủ thì có thể nói, cả thế giới đều quan tâm.

01.jpg

Chính tổng thống Tan-za-nia đã nói rằng: Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là Đại tướng của Việt Nam mà còn là Đại tướng của Châu Phi. Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng là Chiến thắng của Châu Phi.

Ở Châu Phi khi đó chưa một nước nào giành thắng lợi. Tuy nhiên, với phong trào chống thực dân mà Việt Nam đi đầu đã khơi dậy một phong trào đấu tranh giành độc lập mãnh mẽ ở châu Phi. Với chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, châu Phi như được tiếp thêm sức mạnh.

GS Vũ Dương Ninh nhấn mạnh: “Ảnh hưởng trực tiếp của Chiến dịch Điện Biên Phủ theo tôi nghĩ, đó là An-giê-ri”. Ông nói tiếp: “Ngày 7/5/1954, Việt Nam giành được chiến thắng ở Điện Biên Phủ, ngày 21/7/1954, chúng ta ký hiệp định Giơ-ne-vơ. Sau đó, tháng 11/1954, tại An-giê-ri phát động cuộc kháng chiến chống Pháp để giành độc lập và cuộc kháng chiến đó kéo dài cho đến năm 1962 thì Pháp phải công nhận An-giê-ri là một nước độc lập.

Người công nhận độc lập cho An-giê-ri là tướng Đờ-gôn mà như chúng ta biết, năm 1945, chính tướng Đờ-gôn là người kiên quyết tổ chức để Pháp trở lại chiếm đóng Việt Nam. Khi Bác Hồ đề nghị công nhận Việt Nam độc lập trong Liên hiệp Pháp, Đờ-gôn không chịu, chỉ muốn khôi phục chế độ thuộc địa. Nhưng đến năm 1962, Đờ-gôn buộc phải công nhận An-giê-ri độc lập”

GS Vũ Dương Ninh trả lời phỏng vấn

Theo GS Vũ Dương Ninh, chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam có ảnh hưởng lớn đối với An-giê-ri và các nước Châu Phi. Trong hàng ngũ lính mà Pháp đưa sang Việt Nam phần lớn là người Châu Phi, trong đó có lính An-giê-ri. Trong số lính An-giê-ri, có người trở thành hàng binh hoặc có những người giác ngộ, tiếp thu được tư tưởng của Việt Nam, đồng thời lại có những người được Việt Nam huấn luyện về mặt chiến lược, chiến thuật và khi trở về nước, họ lại trở thành các cấp chỉ huy. Họ vận dụng học thuyết của ta là lấy nhỏ đánh lớn, lấy yếu đánh mạnh, sử dụng chiến tranh du kích. Cho nên trong cuộc kháng chiến của nhân dân An-giê-ri, họ thành lập các tiểu đoàn mang tên Điện Biên Phủ, chiến dịch Võ Nguyên Giáp, các đơn vị Hồ Chí Minh hoặc Chiến dịch Việt Nam.

Ảnh hưởng qua các tác phẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết về Điện Biên Phủ, viết về cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam được dịch ra tiếng Pháp. Họ đã vận dụng những kinh nghiệm đó vào cuộc đấu tranh của mình. Theo tôi biết, lúc đó có hai cuốn sách được dịch ra tiếng Pháp là “Điện Biên Phủ” và “Từ nhân dân mà ra”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm châu Phi vào năm 1979

GS Vũ Dương Ninh cho biết, đối với các nước khác ở Châu Phi không có phong trào đấu tranh mạnh mẽ như An-giê-ri nhưng các cuộc vận động đòi độc lập cũng rất quyết liệt khiến cho Pháp sau khi thất bại ở Việt Nam và An-giê-ri, họ buộc phải công nhận độc lập của Ma-rốc, Tuy-ni-zi, Ma-đa-gát-ca… Chính vì vậy, lịch sử ghi nhận, những năm 60 của Thế kỷ trước là những năm Châu Phi. Nước Pháp phải trao trả độc lập cho các nước Châu Phi.

Vào năm 1979, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi thăm một số nước Châu Phi. Ông đã được đón tiếp hết sức trọng thể. Mặc dù chỉ quá cảnh ở Tan-za-nia nhưng toàn bộ quan chức Chính phủ như Bộ trưởng ngoại giao, Bộ trưởng quốc phòng… đã ra sân bay để đón Đại tướng.

Hôm đó, Tổng thống Tan-za-nia phải đi công tác, không thể đón Đại tướng được nhưng ông đã gửi lại lời chào rất nồng nhiệt. Chính tổng thống Tan-za-nia đã nói rằng: Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là Đại tướng của Việt Nam mà còn là Đại tướng của Châu Phi. Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng là Chiến thắng của Châu Phi.

GS Vũ Dương Ninh cùng Hội khoa học lịch sử đến thăm Đại tướng

Nhân dân châu Phi rất ngưỡng mộ Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp

Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, GS Vũ Dương Ninh giảng dạy lịch sử Đông Nam Á tại một trường Đại học ở Ma-đa-gát-ca. Giáo sư cho biết, khi giảng dạy về Lịch sử Việt Nam, họ đặt rất nhiều câu hỏi về Hồ Chí Minh, về Võ Nguyên Giáp, về Điện Biên Phủ. Và câu hỏi phổ biến nhất là : Tại sao Việt Nam cũng là một nước thuộc địa nghèo mà có thể đánh được Pháp, lại giành được thắng lợi lớn như vậy.

Có thể nói, tên tuổi của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp ăn sâu vào tâm trí của sinh viên cũng như người dân Ma-đa-gát-ca. Họ xem phim và vô cùng khâm phục những đoàn dân công, bộ đội vượt đèo, vượt núi bằng những chiếc xe thồ để vận chuyển lương thực và kéo pháo lên trận địa. Họ nói rằng, dân tộc của chúng tôi cũng chịu nghèo, chịu khổ nhưng chắc sẽ không thể làm được như các bạn. Sau những cuộc thảo luận như vậy, họ dành rất nhiều tình cảm cho Việt Nam, rất tin tưởng vào Việt Nam.

Cũng vào thời điểm đó, GS Vũ Dương Ninh cho biết, nhiều chuyên gia Việt Nam sang làm việc ở các nước Châu Phi như : Công-gô, Ăng-gô-la, An-giê-ri… cũng đều nhận được tình cảm rất sâu sắc của bạn bè Châu Phi dành cho Việt Nam, cho lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Theo GS Vũ Dương Ninh, điều này lý giải tại sao, rất nhiều đoàn khách châu Phi, nhất là các vị lãnh đạo, khi đến Việt Nam đều mong muốn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Họ đặc biệt thú vị vì Đại tướng thường nói chuyện trực tiếp bằng tiếng Pháp mà không cần phiên dịch. Cách nói chuyện của Đại tướng cũng rất gần gũi và di dỏm./.