Những ngày qua, hàng triệu triệu người dân Việt Nam vẫn chưa hết bàng hoàng, hụt hẫng trước mất mát, đau thương - vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hàng nghìn bài báo, thước phim  nói về tài thao lược quân sự, về đức, tâm, tầm của vị Tổng Tư lệnh, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.   

Dù biết đó là quy luật của tạo hóa không thể khác được, dù biết Đại tướng đã phải nằm bệnh viện những năm rồi nhưng nước mắt cứ tuôn trào, nghẹn ngào trong cảm xúc khi nghe hung tin. Có nhiều nhà báo đã được trực tiếp tiếp xúc, phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng với tôi, chuyến công tác tại Điện Biên nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (5/2004) sẽ là những kỷ niệm không thể nào quên.

Những cuộc nói chuyện của Đại tướng, dù với đồng bào Tây Bắc với lãnh đạo, nhân dân tỉnh Điện Biên hay với những cựu chiến binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ… đều là những bài học để đời về tính nhân văn, sự đức độ và hết lòng  vì dân, vì nước.

3.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp ân cần thăm hỏi các cụ già khi trở lại Điện Biên Phủ năm 2004 (Ảnh: Hữu Tiến)

Trở lại Điện Biên Phủ vào những ngày tháng 5/2004, nơi đầu tiên Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn đến thăm là nghĩa trang liệt sĩ đồi A1 - nơi những đồng đội của Đại tướng đang yên nghỉ. Tôi còn nhớ như in, sáng sớm mai tại nghĩa trang đồi A1, từ khi sương sớm còn lảng bảng phủ trên hàng nghìn ngôi mộ, đã có rất nhiều cựu chiến binh và nhân dân chờ sẵn ở khu vực dâng hương đón chờ Đại tướng.

Lấp lánh trên vai họ, những người lĩnh Điện Biên Phủ 50 năm trước là những tấm huân, huy chương, những bộ quân phục bạc màu, và mái tóc nhiều người đã bạc trắng. Chỉ có đôi mắt là không thay đổi, sáng lên niềm tự hào vì đã từng chiến đấu trong chiến dịch “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cách đó 50 năm.

Và hôm ấy, đôi mắt của những người lính còn có thêm sự mong mỏi, hồi hộp đợi chờ. Họ sẽ được gặp lại vị tướng chỉ huy năm xưa, để được đứng nghiêm chào, để được cùng Đại tướng thắp những nén hương cho những người đồng đội ở nghĩa trang liệt sĩ đồi A1. Đại tướng và những người lính năm xưa là đồng đội, đồng chí, cùng một chiến hào, cùng làm nên chiến thắng.

Trong câu chuyện với những cựu chiến binh Điện Biên Phủ, tôi càng hiểu tại sao không chỉ người dân trong nước mà bạn bè quốc tế còn nhớ và biết đến Đại tướng với tất cả sự kính phục. Qua chính những lời kể của “quân” bác Giáp ngày xưa, càng thấy ông là một vị Tướng của lòng dân. Với đồng đội, đồng chí và từng chiến sĩ, Đại tướng không bao giờ nặng lời, thay vào đó là sự ân cần, gần gũi, giản dị.

Tài thao lược quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khác với các vị Tướng khác ở chỗ: Tướng Giáp không giành chiến thắng bằng mọi giá mà chiến thắng đó phải ít tổn thất nhất về lực lượng. Trong dòng người đón Đại tướng viếng nghĩa trang liệt sĩ đồi A1 hôm ấy có Thiếu tướng Dũng Chi, trước kia là Tiểu đoàn trưởng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Chính bản thân ông và nhiều chiến sĩ khi đó không thể hiểu được hết sự tài tình trong thay đổi chiến thuật từ “Đánh nhanh- thắng nhanh sang Đánh chắc, tiến chắc” của Vị Tổng Tư lệnh.

Thiếu tướng Dũng Chi kể lại: “Tài của Tướng Giáp thì cả thế giới biết đến, nói có lẽ không thể đủ được. Lúc đó tôi là Tiểu đoàn trưởng, khi đó thấy giỏi nhất của Tướng Giáp là thay đổi chiến thuật đổi từ “Đánh nhanh - Thắng nhanh sang Đánh chắc - Tiến chắc”.  Lúc ấy mình có biết gì đâu. Đến khi nhận được lệnh rút ra thật nhanh là quay đầu ra, nhưng khi ấy vừa rút vừa bực mình. Lúc chúng tôi rút ra còn gặp cả Đại đoàn trưởng Chu Huy Mân. Về sau khi trinh sát đồi A1 lần thứ hai thì mới biết là quyết định đánh chắc tiến chắc và đào giao thông hào là đúng đắn.

Đào giao thông hào và tiến dần làm địch không thể tiếp tế, không giải quyết được thương binh. Đến mức hai lần Catơri thả thương binh của mình cầm thư ra gửi ông Giáp để vái ông Giáp cho nó hạ máy bay để chở thương bịnh. Thế nên 2 giờ rưỡi chiều ngày 6/5 ra khi chuẩn bị tổng tấn công, chúng tôi đi trong giao thông hào sâu 1 mét 7 rất đàng hoàng, còn ngắm nghía mục tiêu sắp đánh, ngon lành đến thế. Lúc ấy quân sĩ chỉ biết nhìn nhau mà trầm trồ”.

Phóng viên Đặng Linh và Đại tướng tại Điện Biên Phủ năm 2004

Nghĩa trang liệt sĩ đồi A1 như đông hơn với những mái đầu bạc cùng màu xanh áo lính, từng hàng, từng hàng một, thành kính và suy ngẫm… Có lẽ mỗi người khi đó đều đang nghĩ về thời oanh liệt đã qua, về những trận đánh, về vị Tổng chỉ huy của mình và về những người đồng đội của họ đang yên nghỉ trên mảnh đất Điện Biên.

Và chính họ, nhiều người cũng đã để lại một phần xương máu nơi đất thiêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Họ ôm nhau thật chặt khi gặp lại, nhận ra nhau trong nước mắt tuổi già và cùng nhắc về tướng Giáp, khắc khoải đợi chờ phút giây được gặp lại vị Tướng tài mà có lẽ lâu lắm rồi nhiều người không gặp lại.

Ông Nguyễn Viết Lăng  quê Vĩnh Phúc là chiến sĩ đánh trận đầu tiên trong chiến dịch ĐIện Biên Phủ nói lên cảm xúc: “Bản thân tôi và các đồng chí cựu binh ở đây phấn khởi vô cùng, lên thăm lại chiến trường chưa lại gặp được Đại tướng, gặp lại Tổng chỉ huy. Lúc nãy tôi đã nắm được tay Đại tướng. Tự hào lắm, chỉ mong Đại tướng khỏe để lại lên với Điện Biên”.

Ông Lường Văn Hún, cựu chiến binh chiến dịch Điện Biên Phủ khi đó còn rất trẻ, quê ở Sơn La nhận xét về Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp nói: “Người lính mà gặp lại chỉ huy thì vui nhất rồi. Càng mừng hơn khi thấy Đại tướng còn khỏe, thăm lại được chiến trường. Tôi xúc động vô cùng, tự hào vô cùng khi được là lính của Tướng Giáp”.

Gần 8 giờ sáng, tất cả hướng đến xe của Đại tướng, gần thì tiến sát đến, xa thì nghiêm giơ tay chào, mắt rưng rưng mừng vui khôn xiết…Đại tướng tiến về phía những người lính năm xưa, nắm chặt tay những đồng đội.

Gần 10 năm đã qua, kể từ buổi sáng  hôm ấy trên đồi A1. Không ai dám nghĩ đó lại là lần cuối cùng những đồng đội, những Anh hùng liệt sĩ nằm lại ở nghĩa trang liệt sĩ đồi A1 được Đại tướng lên thăm. Trong bộ quân phục uy nghiêm, tiếng nhạc Hồn tử sĩ, Đại tướng giơ tay chào những liệt sĩ như đang đứng trước hàng quân.

Sau khi thắp hương tại Đài tưởng niệm, Đại tướng tới nhiều ngôi mộ, thắp hương cho liệt sĩ Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Trần Can… và nhiều Anh hùng liệt sĩ khác có tên và vô danh. Tôi thấy Đại tướng và nhiều người lính tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa đỏ hoe đôi mắt trước những hàng mộ dài của đồng đội, trong nắng sáng ban mai tinh khiết của đất trời Tây Bắc, đất thiêng lịch sử đã đi vào huyện thoại.

Tôi cũng không cầm được nước mắt vì cảm nhận được niềm vui của những Anh hùng liệt sĩ dù đang yên nghỉ dưới lòng đất mẹ hay những đồng chí thương binh tuổi đã cao… đều chung niềm vui được gặp lại Đại tướng- Tổng chỉ huy trực tiếp của mình. Chỉ có điều, tôi không tin là đó lại là lần cuối cùng Đại tướng lên thăm những anh hùng liệt sĩ ở Nghĩa trang đồi A1.

Không tin và không muốn tin Đại tướng không còn nữa, nhưng đó lại là sự thật. Không thể khác được nữa dù có khóc, có thương. Chỉ có thêm một niềm tin khác là ở cõi vĩnh hằng, Đại tướng sẽ gặp lại những Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống năm xưa, để các anh được nắm tay Tổng tư lệnh, để kể với Đại tướng về những trận đánh năm xưa./.