Trong khi ở các nước tiên tiến, bản quyền tác giả đang trở thành một ngành “công nghiệp không khói” thì ở Việt Nam việc sử dụng các sản phẩm mang giá trị văn hóa, tinh thần nhưng không trả tiền cho nhà sản xuất và tác giả đang diễn ra ở nhiều cấp độ khác nhau, khá phức tạp và khó kiểm soát. Đã đến lúc, việc quản lý quyền tác giả không còn là chuyện của từng cá nhân mà cần được nhìn nhận như một vấn đề kinh tế có vai trò quan trọng trong xã hội.

Nhân Ngày Bản quyền sách Thế giới 23/4, phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Kiểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO) về nội dung này.       

img_3831.jpg
Ông Nguyễn Kiểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO) (ảnh: Phương Thúy)

PV:Thưa ông, khi việc thu phí bản quyền sách giấy chưa có sự chuyển biến tích cực thì chúng ta lại phải đối diện với việc bản quyền sách điện tử trên không gian mạng gần như cũng đang dẫm chân tại chỗ. Phải chăng nạn sao chép ở Việt Nam đã tới mức báo động, thưa ông?

Ông Nguyễn Kiểm: Lâu nay từ trong nhận thức chúng ta đã có thời gian bị sao nhãng và coi rằng nước ta là một nước nghèo nên phải cố gắng tận dụng càng nhiều càng tốt những cái gì có thể tận dụng được của thế giới. Quan điểm không phải là chỉ của một người mà đó là sự lừng chừng và lúng túng của một số cơ quan trên lĩnh vực này,  không chỉ có cơ quan thực thi mà có cả cơ quan quản lí. Chính vì vậy nó làm cho sự tôn trọng quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ của chúng ta chưa đi vào nề nếp. Việc sách vở hiện nay đang tràn lan tại trên thị trường có nhiều cuốn bị in lậu đó là do từ nhận thức chưa đúng đắn, chưa quyết liệt, dẫn đến hành động nửa vời không mang tính triệt để và không quy đúng trách nhiệm.

PV: Theo ông, việc nâng cao hiệu quả quản lý tập thể bản quyền tác giả trong kỷ nguyên số có gắn liền với nhận thức của toàn xã hội ?

Ông Nguyễn Kiểm:Tôi muốn nói đến một khái niệm khác, đó là một nhà văn không tự mình đứng ra bảo vệ quyền tác phẩm của mình được. Có những người đã đi kiện và sau nhiều năm ròng rã đi kiện thì họ đã hoàn toàn nhụt ý chí, không muốn đi kiện nữa vì phức tạp, rầy rà quá. Vì vậy  phải có một tổ chức xã hội đứng ra hoặc nhiều tổ chức xã hội ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tôi nghĩ sẽ cần thiết có những tổ chức xã hội ra đời để bảo vệ quyền tác giả. Những người này được sự ủy thác quyền tác giả đó cho những tổ chức xã hội này, và tổ chức này sẽ thay mặt tác giả, nhà xuất bản, người sáng tạo có được bộ máy những người chuyên nghiệp đứng ra để bảo vệ cho họ và thu được khoản phí nào đó họ sẽ trả lại cho tác giả. 

Nhận thức đúng đắn của xã hội cũng là một yếu tố cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý tập thể bản quyền tác giả (ảnh minh họa: Hà Phương)

PV: Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam đã ra đời được 3 năm nhưng dường như vẫn chưa thu hút được sự chú ý của xã hội. Ông có nhận xét gì về điều này và Hiệp hội sẽ có những hướng đi mới nào để góp phần trong việc đảm bảo quyền lợi tác giả?

Ông Nguyễn Kiểm:Khi bắt tay vào làm có những công việc cụ thể hiện nay chỉ ở mức khiêm tốn. 1 năm chúng tôi thu được khoảng hơn 600 triệu, không đủ tiền để chi trả cho bộ máy của hiệp hội hoạt động. Mặc dù vậy chúng tôi vẫn tranh thủ các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế để trả lại cho tác giả. Chúng tôi cũng đưa ra một mức theo như thông lệ của quốc tế, cao nhất cũng chỉ giữ lại 20% tất cả  để chi cho các hoạt động của mình còn lại phải trả lại cho tác giả và những người chủ sở hữu quyền là hơn 80%.  Đây là một con số rất đáng ngại đối với một quốc gia, nếu như toàn dân không đồng lòng sử dụng tác phẩm phải trả tiền thì chúng tôi cũng không làm được. Tôi cho rằng toàn xã hội cần nhận thức đúng về việc sử dụng tác phẩm văn hóa tinh thần bởi vì người ta ăn cắp không phải là ăn cắp trong hiệu sách mà ăn cắp quyền tác giả, quyền đứng ra sản xuất nên có những nhà in lậu như vậy.

Trong thời gian tới VIETRRO vẫn sẽ phải kiên trì, phối hợp với Bộ Giáo dục Đào tạo, tác động vào hệ thống các trường học nhằm giáo dục về nhận thức sử dụng tác phẩm là phải trả tiền. Những người có khả năng chi trả thì họ phải trả tiền túi, còn đối với những đối tượng khó khăn như người khiếm thị, khuyết tật ở những cơ sở đào tạo của các trường dân tộc nội trú trong phần cấp kinh phí hoạt động phải có một phần quyền tác giả để cho các em có quyền đọc những tác phẩm đàng hoàng. Thứ nữa, chúng ta phải tuyên truyền mạnh hơn nữa trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này./.