Thủ tướng Chính phủ mới đây ban hành quyết định lấy ngày 21/4 hằng năm làm Ngày sách Việt Nam. Năm nay cũng là năm thứ 4, Ngày hội sách Việt Nam được tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội). Phóng viên Báo VOV có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Thái Hà books, thành viên BTC Ngày hội sách Việt Nam.

nguyen%20manh%20hung.jpg
TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Thái Hà books, thành viên BTC Ngày hội sách Việt Nam

PV: Bắt đầu từ năm nay, vào 21/4 hằng năm, Ngày sách Việt Nam được tổ chức nhằm thúc đẩy sự phát triển của văn hóa đọc; là người nghĩ ra Tết sách, chắc hẳn ông là một trong những người vui nhất rồi?

TS. Nguyễn Mạnh Hùng:Thực sự lâu nay tôi cảm nhận sách chưa được tôn vinh một cách xứng đáng ở Việt Nam, trong khi thế giới có ngày 23/4 là Ngày sách và Bản quyền thế giới. Từ ngày thành lập, Thái Hà Books cam kết 100% sách có bản quyền, và chúng tôi quyết tâm tập trung vào chất lượng sách, vào việc tuyên truyền cho văn hóa đọc nên Thái Hà Books đã chọn ngày 23/4 cũng là Tết sách.

Tôi đã nghiên cứu khá kỹ trường hợp của Nhật Bản và tự hỏi tại sao một đất nước không có tài nguyên thiên nhiên, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, giao thông không thuận lợi mà giờ đây lại giàu mạnh và nhân văn như thế. Tại sao vậy? Vua Minh Trị của đất nước mặt trời mọc có công rất lớn. Ông cho dịch tất cả những cuốn sách hay nhất của thế giới để cho dân mình đọc. Tôi vẫn tin rằng, nếu không có vua Minh Trị, không có một nước Nhật của ngày hôm nay. Tôi cũng đã học theo “thầy” tôi -  chọn những cuốn sách hay nhất thế giới để mua bản quyền, dịch và xuất bản tại Việt Nam.

Khi sách được Thủ tướng ký quyết định tôn vinh bằng Ngày sách Việt Nam, thì dẫu tối nay…có chết tôi cũng thấy yên tâm rồi. Sách ở Việt Nam đã chính thức được tôn vinh!

Lễ hội đường sách Tết Nhâm Ngọ tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 28/1 thu hút đông đảo bạn đọc tham gia (Ảnh: Vinh Quang)

PV: Trong những sự kiện liên quan đến sách, người ta vẫn bắt gặp hình ảnh bạn đọc chen nhau để được mua những cuốn sách giảm giá; rồi độc giả xếp hàng rất dài để xin được chữ ký của nhà văn mình yêu thích như sự kiện ra mắt tác phẩm mới của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh….; mới thấy rất đông người yêu sách. Vậy tại sao lâu nay nhiều người vẫn hay dùng cụm từ “văn hóa đọc xuống cấp” hay “báo động văn hóa đọc”?

TS. Nguyễn Mạnh Hùng:Nói một con đường xuống cấp thì trước hết phải có con đường đã chứ. Tôi xin khẳng định, chúng ta chưa có văn hóa đọc. Trước khi Việt Nam có chữ quốc ngữ thì làm gì đã có văn hóa đọc, và số người đọc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Người ta bắt đầu đọc kể từ khi bắt đầu có chữ Quốc ngữ, đó là từ thế kỷ 19. Trước năm 1954, số người biết chữ của Việt Nam là bao nhiêu phần trăm? Số lượng sách in ra cho cả đất nước là bao nhiêu cuốn? Và trước năm 1954 liệu đã có văn hóa đọc hay chưa? Miền Bắc nước ta sau năm 1975 mới bắt đầu rục rịch in một ít sách trên giấy đen kịt. Cả làng may ra có vài ba cuốn sách rồi tranh nhau đọc thì làm sao mà nói rằng đã có văn hóa đọc và lại kêu gào văn hóa đọc “xuống cấp”.

Chúng tôi, những người tâm huyết với sách đang xây dựng và phát triển văn hóa đọc được quãng chục năm nay. Mà xây dựng đương nhiên là gặp khó khăn, có người đọc và có người không, có người ủng hộ, có người thờ ơ, thậm chí phản đối là bình thường. Bởi có những người khác đang lo xây dựng văn hóa uống bia, văn hóa nhậu, văn hóa ăn thịt chó, văn hóa chơi games,...

PV:Vậy ông nghĩ gì về con số 0,8 cuốn sách trung bình mỗi người đọc mỗi năm mà một nghiên cứu đã đưa ra?

TS. Nguyễn Mạnh Hùng:Xin thưa, số người đọc đang ngày càng tăng lên. 0,8 cuốn sách trung bình theo đầu người đọc hằng năm là con số ai cũng biết, nhưng thử so với 20 năm trước xem con số này là bao nhiêu? 0,8 là con số chúng ta so với thế giới mà cảm thấy xấu hổ, chứ so với chính chúng ta thì đó lại là một kết quả chưa quá tồi. Nếu chúng ta cứ tuyên truyền về sách theo hướng đó thì xã hội sẽ bi quan.

FAHASA vừa tổ chức hội sách ở TP.HCM, doanh thu rất lớn. Tôi chứng kiến có những em sinh viên mua hơn 3 triệu tiền sách. Vậy thử hỏi làm sao có thể nói là văn hóa đọc xuống cấp hay đáng báo động được?! Nếu bạn đọc đã từng đến hội sách ở TP.HCM sẽ được chứng kiến bãi gửi xe không bao giờ còn chỗ trống. Tôi từng xếp hàng ở đó gần tiếng đồng hồ mới gửi được xe để vào Hội Sách, nên tôi vẫn nói đùa là những người lãi nhất trong dịp này là các bác giữ xe. Cứ thử tính xem trong mỗi gia đình, cách đây 20 năm, có bao nhiêu cuốn sách, còn bây giờ có bao nhiêu cuốn là biết liền.

Hội sách TP.HCM năm nay được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ (Ảnh: Hồng Hải)

PV:Ông đánh giá thế nào về vai trò của truyền thông trong việc đưa sách đến với độc giả?

TS. Nguyễn Mạnh Hùng:Nói thì bảo nói xấu, nhưng việc truyền thông cho sách như hiện nay là không xứng đáng. Ví dụ VTV có chương trình “Mỗi ngày mỗi cuốn sách” rất hay, trước đây được phát vào lúc 7h kém 15 phút, ngày nào tôi cũng phải xem xong rồi mới đi làm. Còn bây giờ chương trình lại được phát vào lúc 5h sáng và 12h đêm, tôi không tin có độc giả phải dậy thật sớm hay thức thật muộn để chờ xem được chương trình này. Phát như thế thì mang tính chiếu lệ, có mà như không. Lại nữa, bây giờ chúng ta thử lấy những tờ báo giấy lớn, uy tín nhất của Việt Nam xem có bao nhiêu centimet vuông để dành cho sách? Có bao nhiêu bài viết có chất lượng, sâu sắc, đáng đọc?

PV:So sánh với thời của ông, cơ hội để sách đến với độc giả và độc giả tiếp xúc với sách như thế nào?

TS. Nguyễn Mạnh Hùng:Phải nói thật là ngày xưa, hồi tôi còn bé, trong nhà tôi không có cuốn sách nào cả. Những năm 70 của thế kỷ trước sách hiếm lắm. Cuốn đầu tiên tôi được đọc là “Hai vạn dặm dưới đáy biển”. Mượn mãi mới được, giấy lại xấu, rách lung tung, phải dán bằng cơm; chỉ được mượn trong 1,5 ngày nên phải đọc ngấu đọc nghiến cho kịp. Còn bây giờ cứ có tiền là có thể mua được sách.

(Ảnh: Vinh Quang)

PV:Ông có lời khuyên nào dành cho các bậc phụ huynh để nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho con cái họ?

TS. Nguyễn Mạnh Hùng:Nếu như, trong mỗi gia đình, bố mẹ cứ có tiền là đưa con đi mua sách, thay vì đưa con đi mua sắm, tiêu xài thì tốt biết mấy. Mua về có thể chưa đọc ngay nhưng chơi với sách thì dần dần các cháu sẽ chăm đọc. Hay buổi tối cả nhà cùng nhau đọc sách; cùng tạo thói quen đọc sách, tạo nên cơ hội tiếp xúc sách cho trẻ. Kể cả mua sách về cho trẻ chơi, ôm đi ngủ, xếp hình bằng sách… cũng được.

Hiện nay tâm lý chung của nhiều bố mẹ là lúc nào cũng ép con ăn vì sợ con suy dinh dưỡng về mặt thể chất, mà ít khi lo con suy dinh dưỡng về mặt trí tuệ. Bố mẹ lo con còi xương nhưng ít ai nghĩ đến con mình còi tri thức, còi văn hóa đọc, còi văn minh, còi tình yêu thương và tính nhân hậu.

PV:Nhiều người vì niềm say mê đọc sách mà dành cho sách một vị trí trang trọng trong nhà, nhưng cũng nhiều người làm như vậy dù có khi chẳng mấy khi đụng đến sách mà coi sách như vật trang trí, ông nghĩ sao về điều này?

TS. Nguyễn Mạnh Hùng:Tại sao mọi người lại cứ phê phán điều này?! Tôi lại cho rằng phô sách vẫn còn hơn là phô rượu, phô giày dép hay quần áo thời trang. Sự phô bày sách, cho dù chỉ là vật trang trí, cũng là một thái độ tốt đối với sách, với tri thức và trí tuệ.

PV: Xin cảm ơn ông./.