Tập thơ  “Nhớ thương ở lại” gồm 28 bài thơ kết tinh từ nỗi nhớ thương, tình cảm thiết tha, trĩu nặng của nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ dành tặng cho các cháu nội ngoại, cho mẹ cha, quê hương của mình. Tình cảm trìu mến, đằm thắm ấy thể hiện bằng sự mộc mạc, thủ thỉ, tâm tình.

Mở đầu trang sách, người đọc đã bắt gặp hình ảnh gần gũi, thân thương, là những cái tên Xu Ka, Na, Mía, Lâm Phong – cháu nội, ngoại của ông bà với những câu chuyện đáng yêu: “Thua em, mới tháng tuổi/ bình sữa vừa pha xong/ ngửa cổ, tu một mạch/ anh liếm mép, đừng hòng” (Chuyện của Xu Ka), “Em Na còn đỏ hỏn/ ông nội đã tặng thơ/ Lâm Phong những tám tuổi/ Sao ông ngoại làm ngơ?” (Bắt đền), “ Tên chị, từ lâu đã chốt/ Tên em, ông còn phân vân/ cả hai đều là vị ngọt/ Vườn xuân, Na Mía quây quần” (Bên cháu). 

66353581_657212034691043_7552173680428580864_n_ouva.jpg
Tập thơ "Nhớ thương ở lại" của nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ

Những đứa cháu nội, ngoại lên 3, lên 5 ríu rít quanh ông, đầy ắp tiếng cười và tiếng hát, không khí gia đình sum vầy, ấm cúng. Bên các cháu, nhà thơ như trẻ lại, vui ấm và thơ thới lạ. Những câu thơ vì thế cũng bật ra tự nhiên, hóm hỉnh: “Cháu nội và cháu ngoại/ tranh nhau ai xinh hơn/ mãi bất phân thắng bại/ để lâu, kể cũng phiền/ ông vuốt ... cằm, vui vẻ/ cháu nào cũng giống ông…” (Ai xinh hơn). 

Chúng ta yêu cái không khí sum vầy, đầm ấm như thế: “Lâm Phong và Bảo Chi nữa/ con chị, con cậu kề vai/ cụ mình sinh thời ao ước/ quế hòe rợp bóng nay mai/ các cụ giờ đã đi xa/ chốn quê, nguyên vẹn nếp nhà/ mỗi tháng một lần về lại/ tình quê, ông cháu đậm đà” (Bên cháu). 

Yêu cháu, nhà thơ cảm nhận thật tinh tế mọi cảm xúc, ý nghĩ của trẻ thơ, cuộc trò chuyện ngây thơ của bé Na và chú lợn đất được ông phát hiện “Bạn Ỉn ghé tai hỏi/ Mình với cậu thân nhau/ riêng điều này tớ ghét/ mặt của cậu hơi... ngầu/ Đòi ăn, cậu khóc thét/ còn ị đùn, xấu ghê/ trong nhà tớ ngoan nhất/ nhận quà thật là phê” (Bạn Na và bạn Ỉn), hay như lời của bé Lâm Phong cũng được ông ghi nhớ ngay “người lớn mà thua cháu đây/ chả biết ai-pét với phây là gì/ cháu a, tuổi mới tí ti/ một tay lướt web, một tay ti bà/ hôm nào ông đến chơi nhà/ cháu nhào lộn giỏi hơn là Ngộ Không/ đôi khi ngã điếng cả mông/ thế mà mặt cháu như không hề gì” (Chào ông Hiện). 

Bằng sự nhạy cảm và quan sát tinh tế, chọn những chi tiết đáng yêu nhất, ngộ nghĩnh nhất của các cháu , nhà thơ bắt nhịp thành những lời thơ trong trẻo, hồn nhiên, đáng yêu vô cùng. Và trên hết, phải bắt nguồn từ tình thương vô bờ, sự chăm chút, ân cần của ông dành cho các cháu “Cháu về lại bên ngoại/ sân ga muôn vạn người/ chiều giáng sinh giá buốt/ nhỏ nhoi cháu yêu ơi/ .. bây giờ cháu đã ngủ/ Em Mía nồng giấc rồi/ chỉ còn ông thao thức/ thương quá, cháu yêu ơi” (Thương cháu). 

Trong tập thơ này, chúng ta còn bắt gặp những nhân vật cụ thể, những: ông Tân, ông Vinh, ông Hiện, ông Dũng, bà Nga, anh Thọ, bố Dương, mẹ Hằng, bác Thanh, bác Phương, bác Chi Phùng... họ là những người thân, người quen của ông bà, bố mẹ các cháu. Họ xuất hiện hồn hậu trong các bài thơ mà như không hề có sự sắp đặt trước vậy, bởi vì các cháu yêu quý là tâm điểm, là sự thu hút thú vị rồi. 

Các ông các bà, bố mẹ, cô dì chỉ làm “nền” cho câu chuyện của các bạn nhỏ thôi! Thế giới tuổi thơ hồn nhiên ắp đầy không khí gia đình, nay Yên Thành quê ông, mai thành Vinh quê ngoại, rồi lại tíu tít đón chờ ở Thủ đô... đâu đâu cũng ngập tràn tiếng cười, niềm vui của sự đoàn viên, ấm cúng. 

Gửi gắm tình thương đối với các cháu, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ bộc bạch “Rượu của ông bà chưa ngắm đã say/ tiếng oe oe đêm đêm nôn nao lạ/ ngày có cháu, sự sống thiêng liêng quá/ mỗi sáng mặt trời là cháu đấy thôi/ chỉ mong sao đất nước mãi thanh bình/ cháu không phải qua tuổi thơ khó nhọc/ nhưng cháu ạ, chốn thị thành sầm uất/ không quên lối về nơi ba mẹ sinh ra” (Cháu rượu). 

Bắt gặp trong tập thơ, chúng ta còn thấy những bài thơ viết về cha mẹ, về quê hương rất cảm động. Những ký ức sâu đậm về mẹ cha, căn nhà, vườn cũ... tràn vào thơ Nguyễn Thế Kỷ như một nỗi chia sẻ tâm tình, sâu kín, kính yêu: “Mỗi lần về thăm nhà/ ra cầu ao tìm mẹ/ biết mẹ thường ở đó/ vắt vẻo giữa nước trời/... bây giờ về thăm mẹ/ di ảnh khói hương bay/ nhà mình qua cảnh khó/ càng thương mẹ những ngày” (Thương mẹ).

“Cha đi, xa xót cháu con/ đạo thần hôn, chửa vuông tròn, cha ơi/ chắp tay, lạy giữa đất trời/ công cha, nghĩa mẹ đời đời khắc ghi/  theo con đường lớn cha đi/ nước ra biển cả, mưa thì về non/ lắng trong cọng cỏ, hạt cơm/ có hồn cha mẹ thảo thơm muôn đời” (Nhớ cha). 

Tất cả rồi sẽ qua đi, chỉ “Nhớ thương ở lại” , đúng như Nguyễn Thế Kỷ luôn tâm niệm. Sau những bộn bề cuộc sống, tìm về nguồn cội, về quê hương, với gia đình ngập tràn tiếng trẻ thơ của cháu con... là con đường mà nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ neo giữ và trân trọng, để tiếng thơ cất lên với tất cả tình yêu thương dào dạt vô bờ./.