Kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ông Nguyễn Thế Kỷ - Uỷ viên T.Ư Đảng, Tổng Giám đốc VOV đã có cuộc trò chuyện với báo Nhà báo và Công luận về 5 vấn đề trong đổi mới báo chí: Nội dung; bộ máy, nhân sự, cung cách quản lý; Kỹ thuật và công nghệ; Tài chính; Công chúng báo chí.  

Giải mã “Bài toán 5 từ khóa”...

“Bài toán 5 từ khóa” ông từng đặt ra là những vấn đề mà các cơ quan báo chí đang nỗ lực từng ngày để thực hiện. Điều tôi quan tâm là vị trí ưu tiên của các vấn đề ấy với ông như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Kỷ: Có thể nói, đã là lãnh đạo cơ quan báo chí thì ai cũng có nhiều lo lắng về con đường đi lên của báo chí nói chung, báo của mình nói riêng. Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cũng không phải là một ngoại lệ.

Chặng đường báo chí chúng ta đã đi qua có bề dày truyền thống vẻ vang, nhiều bài học và thành tựu, nhưng chặng đường đi tới sẽ có rất nhiều thách thức, khó khăn, và dường như ngày càng khó khăn hơn. Chính vì lẽ đó, tôi đưa ra “5 từ khóa” ấy là để góp tiếng nói, đề xuất hướng đi và giải pháp cho cơ quan mình và có thể cho các đồng nghiệp khác tham khảo.

5 từ khóa hay 5 vấn đề cốt lõi trong đổi mới báo chí là điều tôi đã ấp ủ từ rất lâu rồi. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, câu chuyện ưu tiên hàng đầu luôn phải là nội dung. Người ta bảo nội dung là trái tim của báo chí, “nội dung là vua”, cho dù đó là loại hình nào: báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử, kể cả mạng xã hội.

Người ta nghe đài, xem truyền hình, đọc báo, “lướt mạng”, là để tìm kiếm, trao đổi thông tin: tin tức chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; thông tin giải trí, gợi trí tò mò, hiếu kỳ... Ai đáp ứng tốt cho công chúng (nói đúng ra là từng nhóm công chúng, từng phân khúc thông tin), thì người đó tồn tại được. Đáp ứng khá thì có lượng công chúng khá; đáp ứng tốt thì có đông đảo hơn công chúng, lại có thêm quảng cáo, tài trợ, có thương hiệu, có vị thế. Nhưng có điều đi song song, quan hệ hữu cơ, là muốn có nội dung tốt thì phải có cái thứ hai, nói thứ hai cũng không đúng, có lẽ là cái quan trọng nhất, đó là con người, là tổ chức bộ máy và cung cách quản lý, quản trị của cơ quan báo chí. Có cái thứ nhất, thứ hai tốt rồi thì sẽ có cái thứ 3 là kỹ thuật và công nghệ. Và cái thứ 4, là nền tài chính mạnh. Bây giờ làm báo mà không có nền tài chính vững mạnh thì đừng nói về đổi mới công nghệ, đừng nói có nhân sự tốt và càng khó để có nội dung tốt. Thứ 5 là công chúng. Chúng ta bán hàng cho ai? Công chúng là người mua hàng của chúng ta. Họ bỏ tiền ra để họ hưởng thụ thông tin. Chúng ta không  biết thị hiếu của công chúng – đương nhiên đây là thị hiếu lành mạnh, đàng hoàng, thì chắc chắn sẽ không có đông người đọc, người nghe, người xem.

Dù sắp xếp thứ tự ưu tiên như thế nào thì 5 vấn đề nêu trên luôn đan xen, bổ trợ, tác động lẫn nhau tạo nên hệ thống giải pháp đồng bộ để phát triển cơ quan báo chí. Thiếu hụt bất cứ yếu tố nào đều gây nên sự bất cập, như mất đi một hay vài ba mắt xích của bộ máy, làm sao bộ máy chạy đều, chạy nhanh được.

Tôi nhận ra trong giải pháp đồng bộ mà ông nói, dường như áp lực đổi mới đang buộc các thủ lĩnh phải có bước đi thận trọng để giải quyết hài hòa câu chuyện làm báo và làm kinh tế báo chí. Câu chuyện tài chính luôn làm “đau đầu” lãnh đạo các cơ quan báo chí, ngay cả với VOV, thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Kỷ: Với chúng tôi, và cũng như bất cứ cơ quan báo chí nào, dù to nhỏ, lớn bé, tài chính rất quan trọng và luôn luôn quan trọng. Tôi luôn nói với anh em, đồng nghiệp của mình: từ trước đến nay, Đài ta có cái may (và do đó cũng hằn sâu tư duy, nếp nghĩ tương đối phổ biến) là được hưởng nguồn bao cấp chủ yếu từ ngân sách Nhà nước. Được bao cấp thì ổn định, an tâm, không phải lo lắng nhiều về cái lẽ “cơm, áo, gạo, tiền”. Nhưng ngay từ lúc này và những năm tới, nguồn lực quan trọng ấy sẽ giảm xuống hoặc chuyển sang hình thức Nhà nước đặt hàng. Đã đặt hàng thì đi kèm nhiều điều kiện, tiêu chuẩn cao hơn, khắt khe hơn. Các cụ xưa thường nói “Thuyền to thì sóng to”, mà sóng to thì sự va đập, lên xuống cũng nhiều hơn, thậm chí dữ dội hơn.

Đài Tiếng nói Việt Nam giờ có đầy đủ 4 loại hình báo chí, có đội ngũ trên 3.000 người, hoạt động cả trong và ngoài nước. Thách thức đan xen thời cơ, khó khăn đi cùng thuận lợi, cả 2 mặt luôn tác động lẫn nhau. Vì vậy, dù là VOV hay các cơ quan báo chí được coi là lớn và được hưởng ngân sách hỗ trợ thì câu chuyện trang trải đủ kinh phí, làm tốt công tác kinh tế báo chí là nhiệm vụ to lớn. Cơ quan báo chí phải tạo ra nguồn tiền cho mình, tài sản của riêng mình để luôn chủ động trong mọi tình huống. Với chúng tôi không chỉ là khai thác qua quảng cáo, tài trợ mà còn là từ nguồn tài nguyên khá giàu có nhưng còn ngủ yên của mình.

Tôi ví dụ về kho băng âm thanh ở Đài hiện được coi là tài sản quý giá nhất, đồ sộ nhất. Những bài hát được lưu trữ từ nhiều thế hệ cùng với những nghệ sĩ nổi tiếng; những giọng đọc vàng, nghệ sĩ ngâm thơ vang bóng một thời như: Tuyết Mai, Kim Cúc, Trần Thị Tuyết, Hà Thị Cầu, Việt Khoa, Kiên Cường, Thanh Hoa, Vương Hà, Hồng Ngát… hay những tác phẩm độc quyền như “Đọc truyện đêm khuya”, “Tiếng thơ”, “Sân khấu truyền thanh” đều có thể xử lý lại và đưa vào USB, vào băng, đĩa bán cho công chúng. Sản phẩm đó là nguồn đặc sản, thông qua ứng dụng công nghệ số hóa, nếu khai thác tốt sẽ có hiệu quả tài chính cao.

Bên cạnh đó, ngoài thực hiện tổ chức nhiều sự kiện, chẳng hạn như đêm 30/5 vừa rồi có Chung kết Tiếng hát Sơn Ca, các nhà văn hóa, tốp ca, sơn ca về đây thi thố, chúng tôi có thể ghi ra băng, đĩa, USB và bán ra thị trường. Việc kiếm tiền cũng có thể thông qua việc mua bản quyền các giải thể thao lớn chẳng hạn. Tóm lại, rất nhiều cách, thậm chí tất cả máy móc thiết bị nhàn rỗi đều có thể tham gia kiếm tiền cho Đài. Với tôi, thách thức luôn mở ra cơ hội, trở ngại luôn tạo nên động lực, trong khó khăn luôn có cách làm mới, hay.

0_kobl.jpg
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).

Nhưng cũng có nhiều cơ quan báo chí nhỏ, “cái khó bó cái khôn”, giải quyết bài toán kinh tế ngày càng đi vào bế tắc, thưa Tổng Giám đốc?

Ông Nguyễn Thế Kỷ: Việc tự chủ quả thực là điều khó khăn nhưng không phải là lý do để bào chữa. Chạy theo kinh tế nếu quá đà cũng rất dễ đánh mất bản sắc, đánh mất chính mình. Nên nhớ, báo chí là phương tiện, là tư tưởng văn hóa, không phải sinh ra với mục đích chỉ để kiếm tiền. Đương nhiên nếu kết hợp kiếm tiền một cách chính đáng, đàng hoàng thì cũng tốt.

Trên thực tế, có không ít kênh truyền hình, ấn phẩm báo chí, trang điện tử, báo điện tử đã không vì lợi ích chung, không vì công chúng, mà chỉ chạy theo lợi ích cục bộ, cá nhân, “thương mại hóa” hoạt động báo chí. Có những đơn vị được giao quyền tự chủ, tự lập, không được bao cấp, không nuôi được quân dẫn đến tình trạng phóng viên sa đà kiếm tiền, đi xin xỏ, gạ gẫm, thậm chí “đánh đấm”, dọa nạt để có quảng cáo, tài trợ, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm ảnh hưởng đến thanh danh cơ quan. Dĩ nhiên tôi vẫn tin đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Điều đó cũng đặt ra câu chuyện quản trị nhân sự, quản trị tài chính, sử dụng công cụ báo chí sao cho đúng đắn, phù hợp, đàng hoàng. Đây là câu chuyện mà mỗi người lãnh đạo phải luôn trăn trở, suy nghĩ, hành động.

Nhưng rõ ràng trên thực tế đã và đang có một số tờ báo không còn giữ được những chức năng, mục đích căn bản vốn có của báo chí. Thực tế này, theo ông có thể giải quyết như thế nào?

Ông Nguyễn Thế Kỷ: Đó là điều đáng bàn, dù chưa phải quá nhiều những cơ quan báo chí và nhà báo bị rơi ra ngoài quỹ đạo của nghề nghiệp, của sự nghiệp báo chí. Gần đây, Đảng và Nhà nước đang chỉ đạo việc quy hoạch hệ thống báo chí và các cơ quan báo chí theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Cơ quan báo chí nào, kênh sóng, ấn phẩm báo chí nào thật sự cần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nội dung tốt, hình thức hấp dẫn, giàu chất văn hóa, nhân văn thì được ưu tiên; những cơ quan, những ai đi ngược lại, chỉ phục vụ cho một số ít, lợi ích của một số ít thì nên giảm thiểu hoặc cắt bỏ.

Với người lãnh đạo cơ quan báo chí luôn đặt ra cho mình câu hỏi: Anh có lợi ích cho xã hội không? Công chúng có cần anh không? Các cơ quan báo chí và các nhà báo cũng không nên kêu khó thế này, khó thế kia. Mình cần thiết, mình tốt và hữu ích thì mình sẽ tồn tại và phải tìm cách tồn tại đàng hoàng. Cơ quan nào không thể làm được nhiệm vụ này thì cũng không có lý do để tồn tại, đặc biệt là trong bối cảnh thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí như hiện nay.

Với báo chí, thông tin phải chính xác, nhanh nhạy, bổ ích, hấp dẫn; thông tin phải có định hướng, tác động tích cực làm thay đổi tư tưởng, tình cảm, nhận thức, thẩm mĩ của công chúng, giúp cho cuộc sống tích cực hơn. Chức năng báo chí là phải phản ảnh xã hội, xây dựng xã hội, cải tạo những cũ kỹ, lạc hậu của xã hội. Làm được như thế, báo chí nói chung, cơ quan báo chí nói riêng mới phát triển bền vững được. Còn nếu chỉ phục vụ một bộ phận công chúng có nhận thức, yêu cầu méo mó, dị tật, tầm thường, xấu xí thì cơ quan báo chí và nhà báo đã hoặc sẽ chui vào ngõ cụt, tự hủy hoại mình.

Thưa ông, rõ ràng, dù đang có nhiều lợi thế hay phải vật lộn với khó khăn thì cơ quan báo chí vẫn phải đối mặt với áp lực buộc phải đổi mới. Nhưng tôi nghĩ, cốt lõi của nội dung báo chí không thể mất và không được phép mất, đó chính là sự thật. Quan điểm của ông như thế nào về điều này?

Ông Nguyễn Thế Kỷ: Đương nhiên, đó là mục tiêu đầu tiên và cũng là cuối cùng của báo chí. Nhưng chúng ta cần nói sâu hơn về nội hàm của “sự thật” mà bạn đang đề cập một chút. Vấn đề là “sự thật” nào? Nếu nhà báo và cơ quan báo chí chỉ sao chép nguyên xi cuộc sống, phản ảnh cuộc sống thiếu chọn lọc, xô bồ, tự nhiên chủ nghĩa. Đi vào những sự thật mang tính rùng rợn, bệnh hoạn, mang màu sắc tiêu cực, làm cho dư luận hoang mang, lo lắng, li tán… thì sự thật đó có cần cho số đông công chúng không? Chúng ta phải chọn đưa sự thật nào, tiết chế sự thật ấy như thế nào để thông tin thực sự cần thiết, bổ ích cho mọi người. Ví dụ như vấn đề tham nhũng, thì không có vùng cấm, không ai đứng ra ngoài vòng của pháp luật và quy ước đạo đức của xã hội. Ai vi phạm phải đấu tranh đến cùng, phân rõ phải trái, trắng đen... đó là sự thật mà báo chí cần vào cuộc, cần dũng cảm đấu tranh. Nhưng, nếu đưa “sự thật” là những vụ án giết người rùng rợn, đẫm máu, phản ánh chi tiết thái quá... thì sự thật đó không có lợi. Nếu đưa “sự thật” đó một cách lạnh lùng, vô cảm, phản cảm sẽ tác động xấu, rất xấu đến công chúng.

Trong cuộc sống có rất nhiều sự thật bổ ích cần báo chí đưa đậm nét hơn: Anh chiến sĩ công an dắt cụ già qua đường, tuy giản dị nhưng rất đẹp; Người cha ra thành phố lao động cật lực, đêm về ngủ tạm trong ống cống để có tiền cho con học đại học; người chiến sĩ sẵn sàng đổ máu để trấn áp tội phạm; anh lính Cụ Hồ canh giữ biên cương, hải đảo của Tổ quốc; chị lao công vệ sinh đô thị sạch đẹp; người trí thức ngày đêm sáng tạo, có nhiều công trình, phát minh có giá trị…

Rõ ràng, luôn phải chọn lựa sự thật quý giá, bổ ích trong biển cả thông tin ấy. Người làm báo không phản ánh cuộc sống một cách sao chép mà cần qua lăng kính của mình, xem cái gì nên đưa hay không nên đưa? Nếu đưa một cách thiếu trách nhiệm, trắng đen lẫn lộn, không cảm xúc thì công chúng không cần anh, họ đã có quá đủ những thông tin trên mạng xã hội rồi.

Nhà báo Nguyễn Thế Kỷ (mặc áo phao) trong một chuyến công tác.
Quyền lực thuộc về công chúng, chứ không phải của cơ quan báo chí
Như ông nói thì báo chí bây giờ chỉ là một sự lựa chọn, dĩ nhiên đồng nghĩa với việc, chúng ta không còn là “kênh” duy nhất trong phương thức tiếp cận thông tin của công chúng nữa, thưa Tổng Giám đốc?
Ông Nguyễn Thế Kỷ: Quả đúng là vậy, mạng xã hội vừa giành giật và chiếm lĩnh thông tin, vừa giành giật và chiếm lĩnh khán, thính giả, độc giả. Bên cạnh đó, người làm báo hiện nay được đào tạo bài bản, môi trường làm việc tốt hơn nhưng thách thức cũng nhiều hơn.
Trước đây, đất nước có mấy chục nhà báo, viết bài nào là công chúng đọc ngay bài đó, thậm chí, cắt ra, chuyền tay nhau đọc. Bây giờ, cả nước có hàng vạn nhà báo, gần 1.000 cơ quan báo chí thì cạnh tranh lớn, ngày càng lớn, thị phần công chúng, thị phần quảng cáo cũng bị chia sẻ. Rồi mạng xã hội cũng tranh giành công chúng, chia sẻ quảng cáo. Dường như, quyền lực trong giao tiếp, trong trao đổi thông tin ngày càng thuộc về công chúng, chứ không phải của cơ quan báo chí.
Nhiều năm trước, thông tin chủ yếu đi từ cơ quan báo chí truyền một chiều đến công chúng, còn bây giờ thì công chúng có quyền lựa chọn thông tin. Thậm chí những ai đó không (hoặc ít) nghe đài, đọc báo, xem truyền hình, họ ưa đọc trang mạng xã hội. Ở đó thông tin nhanh, nhẹ nhàng, đa dạng, hỗn tạp, nhiều hiếu kỳ. Do đó, sự phân hóa công chúng hiện giờ lớn hơn rất nhiều. Vậy mà trách nhiệm của báo chí thì luôn phải đúng, phải hoàn thành, đưa được tiếng nói của Đảng, Nhà nước đến với người dân và ngược lại.
Trước đây, chỉ có cơ quan báo chí đưa ra nguồn tin thì giờ công chúng cũng có thể gửi tin, bài, ảnh, băng hình cho cơ quan báo chí; đưa nguồn tin lên mạng xã hội. Nhiều blog, trang Web, trang facebook có lượng người đọc bằng hoặc thậm chí nhiều hơn một tờ báo chính thống. Nếu thông tin trên đó chính xác, bổ ích thì tác động tích cực, bổ ích; nếu sai thì dẫn đến tác động tiêu cực tới xã hội.
Ông cũng từng nhấn mạnh rằng: Công chúng là một nửa của báo chí, không có công chúng báo chí vô nghĩa. Vậy theo ông, để báo chí “vừa lòng” được số đông công chúng báo chí ngày càng thông minh, ngày càng “khó chiều”, chúng ta cần đổi mới nội dung báo chí theo hướng như thế nào?
Ông Nguyễn Thế Kỷ: Như tôi nói nội dung luôn là số 1, cơ quan báo chí phản ánh thế nào, hiệu quả ra sao sẽ thể hiện năng lực, tài năng của nhà báo cũng như cơ quan báo chí đó. Quan điểm của tôi là, công chúng trong bối cảnh hiện nay luôn phải tính đến thuật ngữ “phân khúc thông tin”, “phân khúc công chúng”. Nhưng chúng tôi ưu tiên lớn nhất là những thông tin hướng đến phục vụ công chúng đa số là những người tích cực trong xã hội. Các thông tin phục vụ đông đảo nhân dân lao động, là công - nông - binh - trí thức - doanh nhân, nội dung là “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”  như Bác Hồ kính yêu từng căn dặn.
Trong bối cảnh hiện nay, ngoài đầu tư tích hợp đa phương tiện, đa loại hình, chúng tôi quan tâm sản xuất thông tin theo hướng chuyên biệt dành cho từng loại công chúng khác nhau. Chẳng hạn như, Đài có VOV1 là kênh tin tức, thời sự; VOV2 là Văn hóa, Khoa giáo; VOV3 dành cho Âm nhạc, giải trí; VOV4 phát thanh cho đồng bào dân tộc thiểu số; VOV5, dành cho công chúng nước ngoài với 13 thứ tiếng; VOV Sức khỏe dành riêng cho sức khỏe, an toàn thực phẩm; VOV Giao thông dành cho các lực lượng tham gia giao thông, bảo đảm ATGT... Sự chuyên biệt như thế luôn được công chúng đồng tình, đón nhận.
Còn điều này nữa: vấn đề, sự kiện, sự việc diễn ra hằng ngày, nhà báo nào, cơ quan báo chí nào cũng biết. Nhưng quan trọng là từ góc nhìn, từ năng lực nghề nghiệp, các cơ quan báo chí và nhà báo lại thông tin, phản ánh, bình luận theo nhiều cách khác nhau. Ta hay nói đó là thế giới quan, nhân sinh quan của người làm báo là như vậy. Anh nhìn sự việc màu hồng, hay màu xám hay màu đen... sẽ có những nội dung tương ứng đến với công chúng. Cơ quan báo chí không khác một công ty hay xí nghiệp, nên hằng ngày phải biết sản phẩm làm ra thế nào và thái độ người dân đón nhận sản phẩm ấy như thế nào, đồng tình, cổ vũ hay thờ ơ?
Người lãnh đạo là người giữ được nhịp của cơ quan báo chí
Trong làng báo, ông được đánh giá là người có nhiều trải nghiệm và hiểu biết sâu sắc về nghề. Vừa là người từng lăn lộn với nghề, vừa là người làm công tác chỉ đạo, quản lý, định hướng... quan điểm của ông về  người lãnh đạo cơ quan báo chí trong bối cảnh hiện nay như thế nào?
Ông Nguyễn Thế Kỷ: Thực ra trong suy nghĩ của tôi, tôi luôn nghĩ mình cũng giống như mọi người, không nên làm người đặc biệt, càng không được tự cho mình có đặc quyền, đặc lợi, đặc biệt gì. Theo tôi, trong cơ quan báo chí, nhiều hay ít người thì lãnh đạo cũng phải là người giữ được “nhịp”, tạo được cảm xúc, cảm hứng cho các thành viên của cơ quan báo chí đó. Giống như trên sân cỏ, người cầu thủ tài năng phải biết giữ được nhịp của trận đấu, khi nào tấn công, khi nào phòng ngự... Muốn như vậy, lãnh đạo phải là người gương mẫu, hội đủ các phẩm chất, năng lực như trình độ, bản lĩnh, cung cách lãnh đạo, quản lý, quản trị và đạo đức nghề nghiệp.
Nghề báo đòi hỏi người đứng đầu cơ quan báo chí phải là những nhà báo khá, giỏi, thạo nghề, yêu nghề. Dĩ nhiên, không phải đơn vị báo chí nào cũng có được những người như thế, nhưng đó là yêu cầu nghiêm ngặt của nghề nghiệp. Cơ quan báo chí làm ra sản phẩm văn hóa, tinh thần cho xã hội. Đó không phải sản phẩm hàng hóa bình thường, càng không được phép là sản phẩm tầm thường mà phải là “hàng hóa đặc biệt”, mang chức năng thông tin, tuyên truyền, định hướng, thẩm mỹ, nhân văn…
Bên cạnh đó, trong những vấn đề khó như đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực thì người lãnh đạo phải là người có tài năng, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp. Bác Hồ luôn căn dặn “nhà báo cũng là chiến sĩ” là vì thế. Mà người chiến sĩ thì phải đối diện với thế lực xấu, thậm chí với những “viên đạn bọc đường”. Thời nào, chúng ta cũng luôn có nhân dân che chở, phải nỗ lực làm tốt thiên chức của mình vì nhân dân.
Trong bối cảnh khó khăn chung nhưng tôi nghe phóng viên, biên tập viên của Đài nói rằng, từ khi ông làm lãnh đạo, đời sống anh em tốt hơn, tổ chức có sự sắp xếp một cách khoa học hơn... Giữ được nhịp cơ quan hôm nay đã tốt, hướng đến tương lai, chắc chắn Tổng Giám đốc đã có những chiến lược dài hạn của mình?
Ông Nguyễn Thế Kỷ: Tôi đón nhận lời khen của phóng viên với một thái độ vừa cảm ơn, vừa e dè vì điều mình làm được thực ra cũng chưa nhiều. Nhưng có thể nói, tôi luôn cố gắng làm một người lãnh đạo được quý mến, tin tưởng. Tôi nghĩ nghề báo cũng như nghề khác, phải luôn tạo cho anh em cảm hứng làm việc. Cơ quan mà có sự bất công, trù dập, mất đoàn kết… chắc chắn không có không khí thoải mái được; chi tiêu không minh bạch, công khai, lành mạnh sẽ không tạo ra không khí cởi mở, tin cậy được.
Tất nhiên, nói thì dễ mà làm thì khó, cũng phải cố gắng vượt qua cái khó đó từng ngày. Với Đài Tiếng nói Việt Nam, hướng đi sắp tới sẽ phải nhìn vào thế hệ kế cận của chúng tôi. Vì thế, tôi luôn cố gắng tạo được ekip tin cậy, khá, giỏi, được anh em trong cơ quan tín nhiệm để mỗi quyết định của mình, phần lớn anh em trong cơ quan đều thấy: “vị trí đó, đưa người đó lên hình như là đúng nhất”. Nhiệm vụ này mà lãnh đạo chỉ đạo như thế, điều hành như thế, đánh giá như thế là đúng đắn, thỏa đáng, công bằng. Phải luôn xác định và thực hiện được điều này: Có đội ngũ tốt rồi thì phải có hướng đi và giải pháp tốt. Phải lo đội ngũ vững mạnh nhưng cũng phải biết làm ra tiền để nuôi đội ngũ đó một cách đàng hoàng, sạch sẽ. Dù đến một lúc nào đó tôi sẽ đi nơi khác hay nghỉ hưu, nhưng tôi luôn nhìn thấy, đoán định được cái đích năm 2025, 2030… Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ phát triển như thế nào, ra sao. Giải pháp chiến lược của người lãnh đạo vẫn sẽ nằm trong bài toán 5 từ khóa, 5 vấn đề chúng ta bàn nhưng chắc chắn phải biến hóa, sáng tạo đúng đắn theo thời cuộc.  
Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!./.