Dân tộc Kháng ở huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La có hơn 4.000 người, sinh sống chủ yếu ở một số bản, thuộc các xã Chiềng Ơn, Mường Giàng, Chiềng Khay, Cà Nàng, Mường Giôn. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở xã Chiềng Ơn, với hơn 60% dân số và còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống, trong đó có phong tục đón Tết cổ truyền rất đặc sắc và riêng có.
Hàng năm, vào tháng 12 âm lịch, người Kháng sẽ vào rừng lấy lá dong để gói bánh chưng, lấy lá chuối rừng để gói thịt nướng, rải mâm cơm Tết. Ngoài chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho những ngày tết, có một phong tục, tập quán được bà con rất coi trọng đó là tục gội đầu tiễn năm cũ, đón năm mới.
Tuy nhiên, nam, nữ lại có sự kiêng kỵ khác nhau trong tục lệ gội đầu tiễn năm cũ. Đối với chị em phụ nữ, chỉ được ra bến nước gội đầu vào ngày 29 Tết, không được gội vào ngày 30 Tết (tức đêm giao thừa). Vì bà con quan niệm rằng, hồn vía của người phụ nữ vốn yếu đuối, mà đêm 30 Tết thì vạn vật âm dương đều hiện hữu đón chào năm mới, cho nên nếu chị em phụ nữ đi gội đầu không may gặp phải những vong linh xấu thì sẽ bị ốm đau, bệnh tật…
Còn đàn ông, con trai, vốn được coi là phái mạnh, nên sẽ gội đầu vào ngày 30 Tết mà không sợ vong linh, ma tà làm hại. Đúng phút giao thừa, mọi người đều thức để lắng nghe loài vật nuôi nào trong nhà phát tiếng kêu trước, để dự đoán năm đó sẽ may hay xui. “Để gội đầu, phải có một chậu nước vo gạo, một ngọn cây nát, một ngọn cây so se, nhúng vào chậu nước, phủi qua đầu 3 lần, miệng cầu khấn xua đuổi, gột bỏ mọi xui xẻo, đau ốm bệnh tật, điều không may mắn của năm cũ trôi theo sông suối. Cầu mong tổ tiên phù hộ độ trì, đem những điều tốt lành nhất đến cho bản thân, gia đình, bản mình trong năm mới. Cầu trời đất làm cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, trâu bò đầy đàn, thóc lúa đầy bồ” - Bà Lò Thị Phắư, người am hiểu về văn hoá Kháng ở xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai cho biết.
Đồng bào Kháng thờ cúng tổ tiên trong ngày Tết phải có 2 cặp bánh chưng, 1 con gà luộc, nếu nhà có thì mổ lợn, thờ đầu lợn đã luộc chín, rót 2 chén rượu. Dù gà luộc, hay lợn luộc thì bát nước dùng của nó khi đặt lên bàn thờ tổ tiên cũng phải nóng hổi, khói toả nghi ngút mùi hương thơm của thịt gà, thịt lợn thay cho khói hương, với mong muốn gia đình đón năm mới được ấm áp, xum vầy.
Đặc biệt, người Kháng vẫn còn giữ một số kiêng kỵ nhất định vào ngày 30, mùng 1 Tết. "Ngày 30 Tết, mọi người kiêng không vào rừng chặt cây, đốn củi, đào đất, giã gạo... Bà con sẽ ở nhà dọn dẹp nhà cửa, sửa soạn bàn thờ tổ tiên và gói, luộc bánh chưng. Mồng 1 Tết, nhà nào nhà ấy đóng cổng, khép cửa không cho người lạ vào nhà, đặc biệt là người già và phụ nữ đang mang thai, vì bà con quan niệm, mồng 1 mà phụ nữ, người già xông nhà thì cả năm sẽ không gặp may mắn”- Bà Lò Thị Phắư cho biết thêm.
Bà con người Kháng sẽ bắt đầu chơi Tết từ ngày mùng 2 cho đến mùng 5 Tết cùng với cả nước. Bà con bản trên mường dưới đi thăm thân, chúc tết nhau những điều tốt lành nhất; tổ chức các lễ hội, dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian đặc sắc của dân tộc mình.
Bà Điêu Thị Nhất, Trưởng phòng Văn hoá, Thể thao và Du lịch huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La cho biết: " Dân tộc Kháng có lễ hội đặc trưng là lễ hội 'Xên pang á'. Hiện nay phòng cũng đang phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang rà soát và lập hồ sơ để đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xem xét, đưa vào danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia. Còn một số lễ hội nữa, như lễ hội rượu cần cũng đã được bảo tồn và phát huy. Ngoài ra, các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc Kháng cũng rất đặc sắc như điệu múa 'Tăng bu'. Điệu múa này ẩn chứa đầy tính nhân văn trong nghệ thuật truyền thống của dân tộc Kháng”.
Tết đến xuân về, đồng bào Kháng Quỳnh Nhai cùng với đồng bào các dân tộc trên địa bàn vừa vui xuân đón Tết đầm ấm, an toàn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vừa thực hiện phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả./.