Sáng 13/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội), hàng trăm em nhỏ đã tham gia chương trình “Cùng sáng tạo mặt nạ Việt, vui Tết Trung Thu”. Đây là dự án được tổ chức bởi nhóm giảng viên, sinh viên trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam nhằm mục đích tạo cho các em một sân chơi Trung thu lành mạnh.
Đến đây, các em thiếu nhi đươc chiêm ngưỡng 20 tác phẩm mặt nạ do các họa sĩ họa sĩ tên tuổi như Lê Trí Dũng, Lê Thiết Cương, Trịnh Tuân... và các họa sĩ trẻ sáng tạo, được trưng bày trong không gian bảo tàng.
TS. Trang Thanh Hiền (Giảng viên trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam) đã có một buổi trò chuyện xung quanh chiếc mặt nạ lí thú mang đậm bản sắc của một nền văn minh lúa nước Việt Nam và văn hóa Phật giáo.
Các em thiếu nhi đều chăm chú lắng nghe để thêm hiểu về chiếc mặt nạ Trung thu truyền thống của Việt Nam.
Khuôn đất sét là khâu đầu tiên để tạo nên một chiếc mặt nạ giấy bồi. Công đoạn này chỉ có người lớn mới có thể làm.
Sau đó đến phần việc bồi những lớp giấy bản chồng lên nhau bằng hồ nếp để tạo ra một chiếc mặt nạ vừa nhẹ, vừa cứng để trẻ có thể cầm chơi vui cùng với lễ hội rước đèn.
Hầu hết các em thiếu nhi đều thích thú với khâu cuối cùng - sơn vẽ sao cho các mặt nạ đó được sinh động, hấp dẫn.
Theo TS Trang Thanh Hiền, thoạt nhìn, những chiếc mặt nạ, những đồ chơi Trung Thu của trẻ con có vẻ như chỉ là những vật dụng mua vui đêm rằm cho các bé, nhưng thực chất ở mỗi hình tượng được làm được chơi lại mang những thông điệp văn hóa rất rõ ràng. 
"Người lớn làm cho trẻ con vui trông trăng nhưng thực chất các loại hình từ đồ chơi cho đến mặt nạ đã đóng góp một cách đặc biệt vào “nghi lễ” cúng trăng – cúng trời đất – cầu mùa mà con trẻ như một thành tố tham dự vào để không khí đêm Rằm Tháng Tám trở nên sôi động".
Các bậc phụ huynh hướng dẫn con em mình tô mặt nạ theo sự sáng tạo của các em.
Ngày nay, việc làm mặt nạ bồi Ở Hà Nội có một vài nhà ở Hàng Lược, Hàng Mã làm; Làng Hảo ở Liêu Xá, Hưng Yên cũng là nơi đến dịp này sản xuất hàng loạt cung ứng cho các vùng.
Sân chơi bổ ích này còn thu hút nhiều em nhỏ ngoại quốc được bố mẹ đưa đến. Các em rất háo hức khi được hòa mình cùng các bạn Việt Nam làm mặt nạ.
Cậu bé thích thú đeo mặt nạ do chính mình làm ra.