Trong bối cảnh đồ chơi “made in China” đang tràn ngập thị trường trong các dịp lễ Tết, cùng sự vắng bóng dần đồ chơi truyền thống trong dòng chảy văn hóa Việt, nhân dịp Tết Trung thu đang đến gần, nhóm giảng viên, sinh viên trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam và bạn bè của mình đã phát động dự án “Cùng sáng tạo mặt nạ Việt, vui Tết Trung thu” với mong muốn tạo ra một sân chơi bổ ích, đưa các em nhỏ ghé thăm lại một phần văn hóa đang dần biến mất ấy, 

Dự án mỹ thuật này sẽ được khai mạc vào ngày 13/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) với sự tham gia của gần 300 các em nhỏ, thu hút sự quan tâm của đông đảo phụ huynh và cộng đồng.

img_0809_fmbx.jpg
Mặt nạ giấy bồi - món đồ chơi trung thu giàu ý nghĩa.

Ngoài việc tạo ra một sân chơi lành mạnh, hướng dẫn các em nhỏ tự tay sáng tạo những chiếc mặt nạ bằng giấy bồi theo nhóm, trong khuôn khổ chương trình, với vai trò diễn giả, TS. Trang Thanh Hiền (Giảng viên trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam) sẽ có một buổi trò chuyện xung quanh chiếc mặt nạ lí thú này. 

“Thoạt nhìn, những chiếc mặt nạ, những đồ chơi Trung Thu của trẻ con có vẻ như chỉ là những vật dụng mua vui đêm rằm cho các bé, nhưng thực chất ở mỗi hình tượng được làm được chơi lại mang những thông điệp văn hóa rất rõ ràng. Người lớn làm cho trẻ con vui trông trăng nhưng thực chất các loại hình từ đồ chơi cho đến mặt nạ đã đóng góp một cách đặc biệt vào “nghi lễ” cúng trăng – cúng trời đất – cầu mùa mà con trẻ như một thành tố tham dự vào để không khí đêm Rằm Tháng Tám trở nên sôi động”, TS. Trang Thanh Hiền chia sẻ.

TS. Trang Thanh Hiền.

Bên cạnh việc tổ chức cho các cháu vẽ mặt nạ sáng tạo, dự án “Cùng sáng tạo mặt nạ Việt, vui Tết Trung Thu” sẽ có một triển lãm 20 tác phẩm mặt nạ do các họa sĩ họa sĩ tên tuổi và các họa sĩ trẻ sáng tạo, được trưng bày trong không gian bảo tàng. 20 tác phẩm này sẽ được bán gây quỹ cho việc xây dựng trường học, lập tủ sách ở Trường Tiểu học Suối Bau, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Danh sách các họa sỹ tham gia gồm: Lê Trí Dũng, Lê Thiết Cương, Trịnh Tuân, Lê Thông, Lê Huy Tiếp, Đỗ Hiệp, Trịnh Minh Tiến…

Các tác phẩm này, không chỉ đơn giản là những mặt nạ từ dân gian, mà chúng được thể hiện qua các góc nhìn của các họa sĩ theo phong cách quen thuộc của họ. Đây cũng là một cách các họa sĩ chia sẻ với cộng đồng những sáng tác của mình. 

Cuối buổi chiều ngày 13/9, mỗi nhóm sẽ chọn 2 chiếc mặt nạ tham gia chấm điểm. BTC và đại diện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ tặng quà cho những chiếc mặt nạ xuất sắc nhất. Kết thúc sự kiện, các em có thể mang mặt nạ do mình tự vẽ về và vui Trung thu. Số mặt nạ làm thêm cũng sẽ được được bán cho mục đích thiện nguyện kể trên trong quá trình diễn ra sự kiện và sau sự kiện./.