Từ ngày 23-25/10, đồng bào Chăm theo đạo Bà la môn tưng bừng tổ chức lễ hội Kate. Trong những ngày diễn ra lễ hội, có nhiều loại bánh truyền thống mà tiêu biểu là bánh củ gừng, Sakaya, bánh tét... không thể thiếu để bà con dâng cúng tổ tiên với mong ước cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Người Chăm có câu “Bánh tét ở dưới - Bánh Sakaya ở trên" thể hiện sự quan trọng của bánh Sakaya. Bánh Sakaya thường được làm trong lễ hội Kate của người Chăm  và được cộng đồng Chăm Ninh Thuận rất ưa chuộng.     

Ngoài bánh Sakaya, bánh củ gừng hay còn gọi là Nòn Ya cũng được người Chăm làm để dâng cúng tổ tiên trong các ngày lễ truyền thống. Bánh củ gừng được làm từ hỗn hợp bột gạo nếp, đường, trứng gà và men rượu. Nó đã được chế biến và sử dụng từ xưa đến giờ thể hiện sự mong muốn về cuộc sống sung túc của người Chăm.

Ông Quảng Văn Đại, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Tất cả loại bánh đó, người Chăm để dùng dâng cúng tổ tiên để cầu mong, phù hộ độ trì cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, ấm no hạnh phúc. Nếu Kate không có những loại bánh đó thì Kate không có ý nghĩa”.

Trong kho tàng văn hóa của người Chăm, các loại bánh truyền thống có ý nghĩa quan trọng, gắn liền với các nghi thức thờ cúng tổ tiên trong ngày Kate. Ngoài ra, khi làm các món bánh này trong lễ Kate cũng là dịp để họ thể hiện tài nghệ khéo léo và gửi gắm những giá trị văn hóa ẩm thực của đồng bào Chăm.

Những loại bánh truyền thống của đồng bào Chăm được làm ra từ những sản vật của địa phương. Những lễ vật dâng cúng tổ tiên của người Chăm cũng tuân thủ chặt chẽ về quan niệm vũ trụ, nhân sinh, thể hiện ở chất liệu, số lượng và cách bài trí trong các nghi lễ. Đây chính là nét văn hóa riêng và trở thành biểu tượng ý nghĩa trong văn hóa ẩm thực của người Chăm./.