Tuyên bố này của ông Netanyahu đã dập tắt mọi hy vọng về một cái kết nhanh chóng cho các cuộc đụng độ đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người, bất chấp các nỗ lực ngoại giao và sức ép của cộng đồng quốc tế. 

Trong tuyên bố được đưa ra hôm qua, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo Israel sẽ không ngừng tấn công cho đến khi mạng lưới các đường hầm của Israel tại khu vực biên giới Gaza-Israel bị vô hiệu hóa.

israel_naqg.jpgIsrael tấn công vào Dải Gaza (Ảnh Reuters)

“Chúng ta đã có những ngày khó khăn và đau đớn. Chúng tôi sẽ không kết thúc các hoạt động quân sự nếu như chưa vô hiệu hóa các đường hầm được sử dụng để giết hại các công dân của chúng tôi. Ngăn chặn vũ khí vào tay các nhóm khủng bố và phi quân sự hóa Dải Gaza cần phải là một phần của bất kỳ giải pháp nào. Chúng ta cần sẵn sàng cho một chiến dịch quân sự kéo dài. Chúng tôi sẽ tiếp tục các hành động vũ lực và sự thận trọng cho đến khi sứ mệnh hoàn thành”, ông Netanyahu nói.

Trong khi đó, Hamas cũng đáp trả bằng một tuyên bố đầy thách thức rằng, những lời đe dọa của Thủ tướng Netanyahu không thể khiến Hamas và người dân Palestine sợ hãi.

Người phát ngôn phong trào Hồi giáo Hamas Abu Zuhri nhấn mạnh rằng, Israel sẽ phải trả giá cho sự chiếm đóng của nước này tại các vùng đất của người Palestine.

Những tuyên bố cứng rắn của cả Israel và Hamas đã dập tắt mọi hy vọng về một cái kết nhanh chóng cho cuộc xung đột đẫm máu kéo dài suốt 3 tuần qua tại Dải Gaza.

Israel và Hamas tiếp tục giao tranh ác liệt và không chịu ngừng bắn, thậm chí chỉ là vài giờ trong ngày đầu tiên của lễ Eid al-Fitr, một trong những ngày lễ lớn nhất trong năm của người Hồi giáo.

Sáng 29/7, các xe tăng của Israel tiếp tục pháo kích tại các khu vực biên giới Dải Gaza, khiến nhiều người thiệt mạng. Trước đó, ngày 28/7, 9 trẻ em đã thiệt mạng trong một cuộc không kích nhằm vào một công viên tại Dải Gaza. Cùng ngày, có ít nhất 4 dân thường Israel thiệt mạng khi một quả đạn cối bắn từ Gaza rơi xuống miền Nam nước này.

Trước nguy cơ xung đột không có dấu hiệu chấm dứt, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon ngày 28/7 một lần nữa nhắc lại lời kêu gọi Israel và phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas của Palestine tuân thủ một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện ở Dải Gaza.

Phát biểu tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ sau khi trở về từ Trung Đông, Tổng thư ký Ban Ki-moon nói: “Đây là thời điểm cho một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện tại Dải Gaza. Bạo lực cần phải chấm dứt. Cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người Palestine, hầu hết là dân thường và hàng trăm trẻ em. Các vụ bắn rocket của Hamas cũng đã khiến 3 dân thường Israel thiệt mạng”.

Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh: “Israel và Palestine có trách nhiệm ngừng bắn ngay lập tức, khởi động đối thoại và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột. Cần đảm bảo tiến trình hòa bình thông qua sự tôn trọng lẫn nhau và chấm dứt tình trạng bóp nghẹt kinh tế tại Dải Gaza, chấm dứt sự chiếm đóng đã kéo dài nửa thế kỷ qua”.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kery cho biết các nỗ lực quốc tế nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và lực lượng Palestine tại Dải Gaza đều phải dẫn đến việc giải giáp phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas.

Trả lời báo giới, Ngoại trưởng Kerry cho biết ông đang tiếp tục làm việc “hướng tới thiết lập một lệnh ngừng bắn vô điều kiện vì nhân đạo”.

Trong khi đó, phát biểu trên Đài Phát thanh ngày 28/7 khi đề cập đến tình hình tại Gaza, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff  cho rằng cuộc xung đột giữa Israel với Hamas là một cuộc thảm sát và nhận định tình hình tại đây là rất nguy hiểm.

Ngoại trưởng Phần Lan Tuomioja thì cho rằng trừng phạt Israel và cấm vận Hamas có thể là một lựa chọn để chấm dứt xung đột. Theo ông Tuomioja,  "nếu Israel có các hành động thái quá hoặc không sẵn sàng hướng đến tiến trình hòa bình, họ phải chịu hậu quả". Nhà ngoại giao này đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế chuẩn bị áp đặt trừng phạt Israel thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Trong những ngày gần đây, các nhà lãnh đạo Israel đã tranh luận về việc liệu có nên rút quân khỏi Dải Gaza sau khi các đường hầm của phong trào Hồi giáo Hamas bị phá bỏ, hoặc mở rộng các hoạt động quân sự trên bộ chống lại Hamas hay không.

Những người ủng hộ chiến sự trên bộ cho rằng, trừ khi Hamas bị tước bỏ vũ khí, nếu không, các hoạt động quân sự của Israel tại Dải Gaza là không thể tránh khỏi.

Trong khi đó, những người phản đối quan điểm này lại cảnh báo rằng, nếu như Israel cố gắng tái chiếm Dải Gaza, dù chỉ là trong một thời gian ngắn, thì hành động này cũng có thể đẩy Israel vào những rắc rối về mặt quân sự và chính trị. Quan trọng hơn, việc thúc đẩy các hành động quân sự có thể khiến thêm nhiều dân thường thiệt mạng./.