binh_si_ukraine_giao_chien_o_mien_dong_stlx.jpg
Binh sĩ Ukraine giao tranh với phe đối lập tại miền Đông (Ảnh: AFP)
1.Một cựu thủ lĩnh của lực lượng nổi dậy tại Ukraine vừa cho rằng việc thỏa thuận ngừng bắn sụp đổ có thể kéo nước Nga vào một cuộc chiến lớn.

Alexander Borodai, một công dân người Nga và cựu nhà báo cho các tờ báo dân tộc chủ nghĩa, nổi lên vào năm 2014 với tư cách Thủ tướng của nước “Cộng hòa Nhân dân Donetk” tự phong. Ông này dự kiến quân đội Ukraine sẽ mở một cuộc tấn công mới.

Nhận định trên được ông Borodai đưa ra trong một cuộc phỏng vấn ông này tại một nhà hàng Moscow trong tuần này.

Ông ta nói “Nga không thể mãi dung thứ cho sự đau nhức ở vùng biên” và họ “có thể mất kiên nhẫn”.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 24/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức ký sắc lệnh kéo dài thời hạn áp dụng các biện pháp trả đũa nhằm vào phương Tây.

Những biện pháp trừng phạt mà Nga dùng để đáp trả phương Tây sẽ được kéo dài thêm một năm, bắt đầu từ ngày 24/6. Với những diễn biến trên, quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu  tiếp tục căng thẳng hơn. 

Logo cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (Ảnh: IndianExpress)
2.Trong động thái mới nhất liên quan đến bê bối nghe lén của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) nhằm vào 3 đời lãnh đạo Pháp, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 24/6 đã điện đàm với người đồng cấp Pháp Francois Hollande nhằm xoa dịu sự giận dữ của nước này. 

Trong cuộc họp báo cùng ngày, Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, điện đàm với lãnh đạo Pháp, Tổng thống Mỹ tái khẳng định cam kết đã chấm dứt các hoạt động nghe lén không thể chấp nhận được nhằm vào các đồng minh.

Trước đó, chính phủ Pháp khẳng định sẽ không dung tha cho bất kỳ hành động phá hoại an ninh quốc gia nào và kiên quyết bảo vệ các lợi ích của nước này. 

Tuyên bố trên của Pháp được đưa ra sau phiên họp khẩn cấp của các bộ trưởng và tư lệnh quân đội nước này liên quan đến các báo cáo được trang mạng WikiLeaks tiết lộ cho thấy Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đã nghe lén các Tổng thống và một số quan chức cấp cao của Pháp từ năm 2006 đến 2012.

Ông Putin và ông Abe (Ảnh: Internet)

3.Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tối ngày 24/6 đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong vòng 30 phút. 

Đây là cuộc điện đàm được thực hiện theo đề xuất của phía Nhật Bản. Tại cuộc hội đàm, hai bên đã nhất trí sẽ tiếp tục tăng cường đối thoại nhằm hiện thực hóa chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Putin dự kiến diễn ra trong năm nay. Thủ tướng Abe cũng nêu rõ vai trò của Nga trong việc thực hiện thỏa thuận Minsk, hướng tới giải quyết mang tính hòa bình và ngoại giao trong vấn đề Ukraine.

Quan hệ Nhật-Nga những năm gần đây căng thẳng liên quan việc Nhật Bản áp dụng biện pháp trừng phạt Nga trong vấn đề Ukraine, vấn đề lãnh thổ. Tuy nhiên, do Nga là nước xuất khẩu năng lượng hàng đầu của Nhật Bản và Nhật Bản cũng mong muốn tham gia phát triển năng lượng vùng Viễn Đông của Nga, nên chuyến thăm Nhật Bản của ông Putin được cho là sẽ mở ra cơ hội mới cho quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Ngoại trưởng Mỹ (trái) và Ngoại trưởng Iran (Ảnh: Reuters)

4.Ngày mai (26/6), tại thành phố Vienna, Áo, Iran và P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) sẽ chính thức bước vào giai đoạn đàm phán nước rút khi chỉ còn vài ngày nữa là đến thời hạn chót 30/6 mà các bên đặt ra để đi tới một thỏa thuận cuối cùng. 

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh, các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân Iran vẫn chưa có đột phá nào kể từ khi các bên đạt được thỏa thuận hồi tháng 4 vừa qua.

Một nạn nhân bị sốc nhiệt được đưa đi cấp cứu (Ảnh: AP)

5.Giới chức Pakistan ngày 25/6 thông báo, tổng số người thiệt mạng vì nắng nóngtrên toàn tỉnh Sindn đã lên tới 1.011 người, với ít nhất 229 trường hợp tử vong được các bệnh viện xác nhận chỉ trong ngày 24/6. 

Theo giới chức Pakistan, đã có khoảng 40.000 người bị say nắng và mất nước, trong đó có tới 7.500 người đang được điều trị tại Trung tâm y tế Jinnah ở thành phố Karachi. 

Tính đến nay có tổng cộng 950 trường hợp tử vong vì nắng nóng ở Karachi, số còn lại là ở một số nơi khác của tỉnh Sindn.

Chính quyền tỉnh Sindn đã công bố một ngày nghỉ lễ hôm 23/6 vừa qua để khuyến khích mọi người ở trong nhà, tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Các báo cáo cho thấy, phần lớn các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan đều là những người lao động làm việc ngoài trời.

Một mảnh vỡ của máy bay MH17 rơi ở miền Đông Ukraine (Ảnh: AFP)

6. Hà Lan, Malaysia và 3 nước khác hiện đang muốn lập một tòa án của Liên Hợp Quốc để xét xử những người chịu trách nhiệm về vụ máy bay MH17 của Malaysia bị rơi ở Ukraine vào năm 2014. 

Tuy nhiên hiện chưa rõ liệu Nga có hậu thuẫn cho việc lập một tòa án đặc biệt như vậy hay không. Một tòa như thế sẽ theo mô hình của các tòa án khác đã được Liên Hợp Quốc lập ra để truy tố các tội ác nghiêm trọng.

Toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay MH17 (đa số là người Hà Lan) đã tử nạn khi chiếc máy bay bị cho là đã bị bắn hạ vào ngày 17/7.

Người ta khi ấy đã hướng các nghi ngờ tới các lực lượng nổi dậy thân Nga ở miền Đông Ukraine và cho rằng các lực lượng này có thể đã sử dụng tên lửa đất đối không để bắn hạ máy bay./.