Đây lần đầu tiên cơ quan này thừa nhận đã chậm trễ trong nỗ lực phòng chống sự lây lan của dịch bệnh. . Phát biểu khai mạc cuộc họp diễn ra tại thành phố Geneva, Thuỵ Sỹ, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Margaret Chan cho rằng, thế giới đang phải đối mặt với một “cuộc siêu khủng hoảng”.

ba_chan_lswp.jpgTổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Margaret Chan (đứng giữa) trong cuộc họp ở Geneva Thụy Sỹ (ảnh: EPA)
Dù đà lây lan của dịch bệnh đã có dấu hiệu chững lại, song giờ không phải là lúc để tự mãn bởi những bước tiến đạt được vừa qua có thể nhanh chóng biến mất và những ca nhiễm mới lại có thể xuất hiện.

“Số ca nhiễm mới đã giảm mạnh tại cả 3 nước chịu tác động mạnh nhất là Liberia, Guinea và Siera Leone, song chúng ta không được phép tự mãn và nơi lỏng cảnh giác. Mục tiêu hàng đầu hiện nay là không còn ca nhiễm mới nào. Chúng ta có thể làm được điều này, song sẽ không phải là dễ dàng.” Bà Margaret Chan nói.

Bà Margaret Chan cũng lần đầu tiên thừa nhận, cả thế giới, trong đó có WHO, đã quá chậm trễ trong việc tìm hiểu xem điều gì đang xảy ra. Theo bà, “thảm kịch Ebola” đã dạy cho thế giới nhiều bài học về cách thức ngăn chặn các sự kiện tương tự trong tương lai: “Dịch Ebola hiện nay đã cho thấy những thiếu sót và hạn chế của Tổ chức Y tế thế giới cả về hành chính, quản lý và cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Đại dịch Ebola cho thấy sự cần thiết phải thay đổi khẩn cấp ở cả 3 lĩnh vực: tái xây dựng và tăng cường các biện pháp ứng phó cả ở cấp quốc gia và quốc tế trước các tình trạng khẩn cấp, đánh giá lại cách thức mà các sản phẩn y tế mới ra thị trường, cũng như tăng cường  cách thức mà WHO hành động trong các tình huống khẩn cấp.”

Tuy nhiên, cũng theo bà Chan, bên cạnh những thiếu sót của Tổ chức Y tế thế giới, nguyên nhân của những phản ứng chậm trễ hiện nay còn phải kể đến sự yếu kém của các hệ thống y tế, mà cụ thể là tại các nước chịu tác động mạnh của dịch bệnh sau một thời gian dài chìm trong nội chiến hay sự thờ ơ của cộng đồng quốc tế và các ngành công nghiệp không coi trọng việc đẩy nhanh công tác nghiên cứu về các dịch bệnh tại những nước nghèo nhất. Vì thế, không một liệu pháp điều trị hay vaccine nào sẵn có trong phòng chống loại virus chết người này.

Kết thúc cuộc họp, Ban điều hành WHO đã nhất trí thông qua một nghị quyết trong đó khẳng định vai trò đặc biệt của Liên hợp quốc trong những tình huống y tế khẩn cấp, đồng thời nêu bật những thách thức và những cải cách sâu rộng về cơ cấu mà Tổ chức Y tế thế giới cần  thực hiện để hoàn thành sứ mệnh. Nghị quyết đã nêu ra một loạt đề xuất nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động từ thành lập quỹ trực chiến đến việc tuyển dụng và triển khai nhanh hơn các nhân viên “tuyến đầu” cho các tình huống khẩn cấp trong tương lai, phát triển các vắc xin và các phương pháp điều trị “chất lượng cao, hiệu quả và giá cả phải chăng”, chỉ định đặc phái viên để phối hợp và giám sát các cuộc chiến chống Ebola.

Theo nghị quyết, dù hiện triển khai khoảng 700 nhân viên tại 3 nước chịu tác động mạnh nhất của Ebola là Liberia, Guinea và Sierra Leone, song theo WHO, với vai trò hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng các quy chuẩn về hoạt động phòng chống dịch, bổ nhiệm các văn phòng quốc tế, song cơ quan Liên Hợp Quốc này lại hoạt động thiếu sự phối hợp ở tất cả các cấp từ quốc gia, khu vực tới thế giới, vẫn còn nhiều thiếu sót trong  quản lý nguồn lực, thiếu sự linh hoạt và khả năng phản ứng  trước các tình huống khẩn cấp,…

Kể từ khi bùng phát hồi cuối năm 2013, virus Ebola đã cướp đi sinh mạng của gần 9.000 người, chủ yếu là tại 3 nước Tây Phi là Liberia, Guinea và Sierra Leone và gây ra một nỗi sợ hãi trên toàn thế giới. Tuy nhiên, từ đầu năm tới đây, cuộc chiến chống Ebola đã chứng kiến những bước cải thiện rõ rệt. Mali là quốc gia mới nhất vừa tuyên bố hết dịch./.