Nỗ lực đa phương nhằm phát triển vaccine Covid-19 toàn cầu có tên COVAX - một cơ chế được thực hiện tập hợp quỹ từ các nước giàu hơn và các tổ chức phi lợi nhuận để phát triển vaccine ngừa Covid-19 và chia sẻ công bằng tới các quốc gia trên thế giới. Mục tiêu của chương trình là cung cấp 2 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 hiệu quả, đã được phê duyệt cho tới cuối năm 2021.

Thông tin chi tiết về cơ chế COVAX sẽ được công bố trước ngày 31/8 cho các nước tham gia. Cơ chế do WHO thực hiện cùng với Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) và Liên minh Các sáng kiến chuẩn bị đại dịch (CEPI).

COVAX là một phần của chương trình rộng hơn, được gọi là “Access to COVID-19 Tools (ACT) Accelerator” nhằm tăng tốc truy cập vào các công cụ để chống lại Covid-19. Dự án này nhằm đảm bảo rằng vaccine, phương pháp điều trị, xét nghiệm chẩn đoán và các nguồn lực y tế khác luôn sẵn sàng để chống lại đại dịch.

Các nước giàu trên thế giới đang tập trung vào việc đảm bảo vaccine cho chính công dân của họ. Các chính phủ như Mỹ, Anh, Nhật Bản và Liên minh châu Âu đã chi hàng chục tỷ USD cho các giao dịch với các nhà sản xuất vaccine như Pfizer Inc, Johnson & Johnson, AstraZeneca Plc và những công ty khác. Đặc biệt, Mỹ đã cam kết chi gần 11 tỷ USD để phát triển, thử nghiệm, sản xuất và dự trữ hàng trăm triệu liều vaccine ngừa Covid-19.

Nga và Trung Quốc cũng đang nghiên cứu vaccine và đã bắt đầu tiêm thử nghiệm cho một số công dân của họ.

Theo WHO, đến nay, COVAX đã thu hút sự quan tâm từ 92 quốc gia nghèo với hy vọng quyên góp tự nguyện và 80 quốc gia giàu hơn sẽ tài trợ cho chương trình.

WHO đã bày tỏ ngại rằng, các quốc gia giàu có hơn sẽ tích trữ vaccine cho công dân của họ và điều này có thể cản trở nỗ lực chấm dứt đại dịch Covid-19.

Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Chúng ta cần ngăn chặn chủ nghĩa dân tộc vaccine. Việc chia sẻ nguồn cung ứng hữu hạn một cách có chiến lược trên phạm vi toàn cầu thực sự là vì lợi ích của mỗi quốc gia”.

Các nhà lãnh đạo của WHO nói rằng, cần phát triển một hệ thống phân phối vaccine toàn cầu, ưu tiên cho những người có nguy cơ mắc bệnh cao nhất như nhân viên y tế nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19 trên toàn thế giới./.