Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO cho biết, khoảng 21 triệu ca mắc Covid-19 đã được báo cáo cho WHO trong tuần trước, mức tăng kỷ lục toàn cầu về số ca nhiễm hàng tuần do biến thể Omicron lây lan nhanh chóng.
Trong khi biến thể Omicron dường như ít độc lực hơn so với các biến thể trước đó, nhưng lây lan rất nhanh, dẫn đến số ca mắc bệnh tăng vọt đang gây áp lực cho hệ thống y tế trên toàn thế giới.
“Biến thể đáng lo ngại tiếp theo sẽ dễ lây lan hơn vì nó phải vượt qua các biến thể đang lưu hành. Câu hỏi lớn là liệu các biến thể trong tương lai có nguy hiểm hơn hay không”, bà Van Kerkhove nói.
Bà Van Kerkhove cảnh báo không nên tin vào giả thuyết virus sẽ tiếp tục đột biến thành các biến thể nhẹ hơn, khiến mọi người ít mắc bệnh hơn so với các biến thể trước đó.
“Không có gì đảm bảo điều đó. Chúng tôi hy vọng tình huống này sẽ xảy ra, nhưng không có gì đảm bảo và chúng ta không thể tin tưởng vào điều đó”, bà nói và lưu ý rằng mọi người nên tiếp tục tuân theo các biện pháp phòng dịch trong thời gian chờ đợi. Ngoài ra, biến thể mới có thể tăng khả năng né tránh miễn dịch của vaccine, khiến các loại vaccine hiện tại kém hiệu quả hơn.
Các quan chức WHO cho biết, mặc dù làn sóng Omicron dường như đã đạt đỉnh ở một số nước, nhưng số ca mắc bệnh vẫn tiếp tục tăng ở nhiều quốc gia khác. “Mọi người sẽ không cần phải đeo khẩu trang và giãn cách xã hội mãi mãi, nhưng hiện tại, chúng ta cần tiếp tục làm điều này”, bà Van Kerkhove nói.
Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc các chương trình khẩn cấp của WHO, cho biết, virus sẽ tiếp tục phát triển trước khi trở nên ổn định hơn. Ông Ryan hy vọng virus sẽ giảm xuống mức độ lây truyền thấp, trở thành dịch bệnh theo mùa hoặc chỉ ảnh hưởng đến các nhóm dễ bị tổn thương.
Tuy nhiên, vấn đề là Covid-19 không thể đoán trước được. “Virus đã được chứng minh là mang đến cho chúng ta một số bất ngờ khó chịu. Các quan chức y tế thế giới cần tiếp tục theo dõi Covid-19 và sẵn sàng ứng phó để ngăn chặn biến thể mới gây thêm bất kỳ thiệt hại nào”, ông Ryan nói./.