Nestle, tập đoàn thực phẩm hàng đầu thế giới vừa quyết định dừng bán các sản phẩm mỳ ống bò tại Italy sau khi phát hiện thấy ADN của ngựa trong các sản phẩm này.

Hãng thông tấn ANSA của Italy dẫn nguồn tin từ tập đoàn Nestle có trụ sở tại Thụy Sỹ cho biết: các cuộc kiểm nghiệm an toàn thực phẩm mà  Nestle thực hiện đã phát hiện 1% ADN thịt ngựa trong các sản phẩm mỳ ống bò mang thương hiệu Ravioli và Tortellin, và Nestle đã quyết định “loại” các sản phẩm này ra khỏi các quầy hàng tại siêu thị. Những sản phẩm khác cùng loại cũng đã được Nestle dừng bán tại Tây Ban Nha và Pháp.

Tập đoàn Nestle cũng gửi lời xin lỗi người tiêu dùng, đồng thời trấn an người tiêu dùng rằng quyết định này của công ty chỉ là để làm rõ vụ việc và tăng cường tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng.

Tuần trước, Nestle cũng đã quyết định dừng phân phối tất cả các sản phẩm thịt bò sản xuất tại một chi nhánh của tập đoàn này ở Đức. Trước đó, Nestle còn tự tin tuyên bố các sản phẩm của họ không bị ảnh hưởng bởi vụ scandal “treo đầu bò bán thịt ngựa”.

thit%20ngua%20trong%20sieu%20thi.jpg
Phát hiện thịt ngựa trong sản phẩm ở siêu thị (ảnh: Telegraph)

Nestle là doanh nghiệp mới nhất bị ảnh hưởng bởi vụ scandal thịt ngựa giả thịt bò đã lan rộng ra ít nhất 12 nước châu Âu trong đó có Anh, Pháp, Đức và Thụy Sĩ.  Vụ scandal đã khiến nhiều người lo ngại về sự an toàn của hệ thống thực phẩm châu Âu, nhất là sau khi Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm Anh (FSA) tuyên bố đã phát hiện chất  phenylbutazone trong thịt ngựa. Đây là một chất cấm có thể gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm cho cơ thể người.

Một số người dân châu Âu nói: “Đây là hành động sai trái vì tất cả các sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng đều cần phải được dán nhãn mác. Nếu thành phần của một sản phẩm không được viết trên nhãn mác, có nghĩa là nó có thể gây nguy hiểm đối với người dùng. Nếu có thông tin chỉ dẫn rõ ràng, mọi thứ sẽ tốt hơn.”

“Chúng tôi luôn ăn thịt ngựa và nó không phải là một vấn đề gì lớn. Tuy nhiên, trong trường hợp này thì khác. Đó là một vụ gian lận thương mại. Khi bạn mua một thứ mà bạn biết nó là thịt ngựa thì hoàn toàn khác với trường hợp, bạn mua mà không biết đó là thịt ngựa.”

Trước đó, ngày 18/2, chính phủ Pháp đã dỡ bỏ một phần lệnh tạm dừng sản xuất đối với công ty chế biến thịt Spanghero, một trong những công ty có liên quan chính đến vụ scandal này. Trước đó, Spanghero bị cơ quan chức năng rút giấy phép kinh doanh vì nghi công ty này cố ý bán thịt ngựa. Trong khi đó tại Anh và Đức, chính quyền cả hai nước này đã cam kết sẽ tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng hơn các sản phẩm thịt đông lạnh./.