Thị trưởng Berlin, Michael Muller tuyên bố sau cú sốc: “Thật là choáng váng và quá sốc. Chúng tôi đã luôn hy vọng là Berlin sẽ không phải sống trong tình cảnh này”.

canh_sat_pvvg.jpg
Hiện trường vụ tấn công chợ Giáng sinh ở Berlin. Ảnh: AP

Trong phát biểu đau lòng này, có một phần thực tế: các nhà chức trách Đức đã luôn được cảnh báo về nguy cơ khủng bố trong dịp Noel và năm mới, nhưng đã hy vọng nó sẽ được ngăn chặn. Cảnh sát Đức trong đêm 19/12 cũng cho biết, họ được thông báo về một số đe doạ đối với các hội chợ Noel.

Thực ra thì tất cả những điều này đều đã được cảnh báo từ trước, từ nguy cơ, cách thức, cho đến những địa điểm tiềm tàng nhất... Những cảnh báo này xuất hiện trong báo cáo của Cơ quan cảnh sát châu Âu – Europol, đưa ra trong tháng 11/2016.

Trong báo cáo đề cập đến chủ đề về sự thay đổi trong phương thức hành động của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), Europol cảnh báo trong thời gian sắp tới, phải đặc biệt cảnh giác đối với các cách thức khủng bố bằng ô tô, cụ thể là đặt bom ô tô hoặc dùng ô tô làm phương tiện gây án.

Europol khẳng định, đây là cách thức mà mạng lưới khủng bố Molenbeek, thủ phạm gây ra các vụ khủng bố đẫm máu ngày 13/11/2015 ở Paris và 22/3/2016 ở Brussels, ban đầu định sử dụng nhưng sau đó đã thay đổi bằng cách đánh bom cảm tử.

Khuyến cáo này của Europol được đưa ra sau khi thu được và phân tích các dữ liệu trong chiếc máy tính tìm được tại nơi ẩn náu của một trong những kẻ khủng bố tại Schaerbeek, ngay sau thời điểm diễn ra vụ nổ bom ở ga tàu điện ngầm Maelbeek hôm 22/3 ở Brussels.

Các dữ liệu trong máy tính cho thấy, mạng lưới khủng bố này đã buộc phải thay đổi cách thức hành động vào phút chót sau phi vụ bị cảnh sát Bỉ vây bắt ở thành phố Forest trước đấy đúng 1 tuần (15/3/2016).

Chính trong cuộc vây bắt này, tên Salah Abdeslam, kẻ duy nhất còn sống sót của mạng Molenbeek và là tên trực tiếp tham gia khủng bố Paris hôm 13/11/2015 đã trốn thoát. Do lo sợ kế hoạch bị bộ, nhóm khủng bố đã quyết định đánh bom Brussels thay vì kế hoạch ban đầu là dùng ô tô tiếp tục đánh bom Paris và các thành phố khác của Pháp.

Phân tích của Europol sau này rõ ràng được củng cố hơn rất nhiều bởi sự kiện khủng bố tại Nice vào ngày quốc khánh Pháp 14/7, khi một kẻ khủng bố sử dụng xe tải lao vào đám đông trên đại lộ Promenade des Anglais nổi tiếng ở Nice và cướp đi sinh mạng của 86 người và làm bị thương 434 người. Và giờ là đến vụ khủng bố hội chợ Noel ở Berlin với cách thức tương tự là dùng xe tải chở hàng lao vào đám đông.

Câu hỏi đặt ra là liệu các nhà chức trách Đức có ý thức được nguy cơ khủng bố nhằm vào các công dân nước mình?

Câu trả lời là “Có”, bởi trong báo cáo nêu trên của Europol, Đức được xếp là nước có nguy cơ bị khủng bố lớn thứ 3 trong thời gian tới, sau Pháp và Bỉ. Nhận định của Europol là nguy cơ lớn khiến Đức bị đe doạ là do những kẻ tuyển mộ của IS có thể dễ dàng tìm được một lượng lớn người tị nạn Syria trên đất Đức và nhồi nhét vào đầu những kẻ bất mãn các tư tưởng cực đoan.

Trên thực tế, cảnh sát và an ninh Đức đã hoạt động rất mạnh trong thời gian qua và đã ngăn chặn khoảng 300 vụ có âm mưu gây rối hoặc khủng bố trong vài tháng qua. Và cũng giống như Pháp, Đức cũng đã được cảnh báo về nguy cơ khủng bố tại các hội chợ Noel truyền thống bởi Đức, và đặc biệt là thủ đô Berlin, nổi tiếng toàn châu Âu về các chợ Noel đặc sắc.

Tuy nhiên, đối với vấn đề an ninh thì rủi ro luôn tồn tại, hay nói cách khác là “nguy cơ số 0” là không tồn tại. Các thông tin ban đầu từ phía cảnh sát Đức cho thấy thủ phạm gây ra vụ tấn công tại chợ Noel Berlin đêm qua rất có thể là “hành động khủng bố”.

Nhưng điều đáng nói là cách thức vòng tránh của thủ phạm trong vụ tấn công này. Chiếc xe tải mang biển Ba Lan, thuộc một công ty vận tải Ba Lan và theo kế hoạch thì vừa chở hàng từ Italy qua Đức và sẽ dỡ hàng ở Berlin trước khi quay lại Ba Lan.

Với một lộ trình không cố định và di chuyển liên tục như thế, các cơ quan an ninh sẽ rất khó theo dõi và kiểm soát bởi sự di chuyển trong nội bộ Schengen hiện tại là hoàn toàn tự do.

Và dù có thể đã lường trước nguy cơ bị tấn công nhưng với quy mô và số lượng quá lớn các chợ Noel mở ra trong dịp này, nhà chức trách Đức khó có thể thực thi các biện pháp an ninh nghiêm ngặt giống như chợ Noel nổi tiếng của Pháp ở thành phố Strasbourg là lập ra các ụ nổi chống thâm nhập từ vòng ngoài để ngăn chặn kịch bản dùng xe tải lao vào đám đông như đã từng xảy ra ở Nice, và giờ là Berlin./.