Thế nhưng, vẫn có những điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh của tình hình thế giới, khi đối thoại và hợp tác tiếp tục là xu thế chủ đạo, tạo động lực cho nhiều quốc gia vươn lên, giúp tháo ngòi nổ xung đột và nhanh chóng dập tắt chiến tranh ngay từ thời điểm mới bùng phát.

Khủng hoảng và khủng bố

Khó khăn lớn nhất thế giới phải ứng phó là cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng nhất trong lịch sử với qui mô lan rộng toàn cầu. Cuộc khủng hoảng này khởi đầu từ Mỹ đã tạo ra những hiệu ứng suy thoái kinh tế ở nhiều nước, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm mạnh, chỉ khoảng 2,5% so với mức trên 4% của những năm trước.

Việc Mỹ và một số nước tư bản như Đức, Nhật Bản đề cao tự do hoá thị trường và tư nhân hoá nền kinh tế một cách cực đoan là một trong những tác nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng này. Chính phủ các nước này đã phải chi hàng nghìn tỷ USD, riêng Mỹ quyết định thực hiện kế hoạch giải cứu lớn nhất trong lịch sử, trên 700 tỷ USD, để chống đỡ cuộc khủng hoảng tài chính và ngăn chặn đà suy thoái kinh tế của đất nước.

Nhiều quốc gia khác cũng đang phải gánh chịu những hệ luỵ nguy hiểm từ cuộc khủng hoảng tài chính. Chính sự suy giảm kinh tế đã khiến Hy Lạp đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị, do các cuộc biểu tình, bãi công rầm rộ của đông đảo các tầng lớp người dân phản đối chính sách kinh tế của chính phủ nước này.

Các nhà phân tích chính trị quốc tế còn cho rằng, những bất ổn tại Thái Lan trong thời gian qua, có nguyên nhân từ những khó khăn kinh tế do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay gây ra.

Vụ tấn công khủng bố vào Mumbai, thành phố tài chính lớn nhất của Ấn Độ ngày 26/11/2008, làm gần 200 người chết, các phần tử khủng bố định gây nên một thảm kịch tương tự như vụ đánh bom vào Trung tâm Thương mại ở New York ngày 11/9/2001, nhằm tạo nên những tác động nguy hiểm to lớn hơn nữa cho nền kinh tế toàn cầu.

Vụ tấn công này diễn ra trong thời điểm Mỹ đang phải dốc sức ngăn chặn đà suy thoái kinh tế, đã buộc chính quyền Washington phải căng sức trên cả hai mặt trận kinh tế và chống khủng bố.

Nhưng Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng các chiến dịch quân sự tại Iraq, Afghanistan và các vùng biên giới Pakistan. Thậm chí, chính tổng thống mới của Mỹ, ông Barack Obama, đã rất ủng hộ các hành động leo thang quân sự mới, khi tuyên bố, sẽ tăng 15.000 quân tới Afghanistan, ngay khi ông chính thức trở thành tổng thống vào ngày 20/1/2009.

Năm 2008, Mỹ tiếp tục phớt lờ các thể chế quốc tế và các qui chế đa phương. Mỹ coi Trung Quốc, Nga là những đối thủ chiến lược có thể thách thức vai trò độc tôn của Mỹ trên thế giới và can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ của hai quốc gia này, đặc biệt là các nước cộng hoà thuộc Liên bang Xô viết trước đây. 

linh-My.jpg

Mỹ vẫn sa lầy ở Iraq và Afghanistan

Nhưng kết quả, Mỹ vẫn bị sa lầy ở Iraq và Afghanistan. Thêm nữa, mâu thuẫn giữa Palestine và Israel thêm sâu sắc khiến tiến trình hoà bình ở Trung Đông tiếp tục bế tắc. Hãng tin Mỹ AP nhận định, rời Nhà Trắng, ông Bush đã để lại cho nước Mỹ một di sản hỗn loạn về mặt chiến lược, suy yếu về kinh tế và vai trò lãnh đạo của nước Mỹ đang bị xói mòn.

Trong khi đó, năm 2008, ngay sau khi thực hiện thành công cuộc chuyển giao quyền lực, với việc ông Dmitry Medvedev lên làm Tổng thống và ông Vladimir Putin trở thành Thủ tướng, nước Nga có một trung tâm quyền lực thống nhất và đoàn kết, đảm bảo tính liên tục và nhất quán khi thực thi các chính sách đối nội và đối ngoại.

Đặc biệt, với tiềm năng về năng lượng và dự trữ ngoại tệ lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản (gần 500 tỷ USD), Nga khẳng định vị thế trong các mối quan hệ với Mỹ, các nước trong liên minh châu Âu, khiến Gruzia bị thất bại trong việc giành quyền kiểm soát hai vùng lãnh thổ Apkhazia và Nam Ossetia, khi phát động cuộc chiến tranh với Nga. Gruzia và Ukraine cũng chưa thể thực hiện tham vọng gia nhập Tổ chức Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngay trong năm 2008.

Rõ ràng, Mỹ và đồng minh đã phải tính đến sức mạnh của Nga và tránh gây căng thẳng với Moscow. Ngay cả một số nước châu Âu cũng không tán thành kế hoạch mở rộng NATO về phía đông theo tính toán của Mỹ, để biến tổ chức này thành một câu lạc bộ chính trị phục vụ lợi ích chính trị của Mỹ.

Những điểm sáng

Năm 2008 là một năm khó khăn đối với khu vực châu Á. Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tăng trưởng kinh tế của nhiều nước trong khu vực giảm. Trong khi đó, mâu thuẫn về lợi ích và quan điểm giữa các lực lượng chính trị ở một số nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, khiến tình hình chính trị, an ninh các quốc gia này có nhiều biến động.

Tuy nhiên, với xu thế đối thoại và hợp tác, đặc biệt với tốc độ phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc, Ấn Độ những năm qua, khu vực này vẫn có nền tảng kinh tế vững chắc, tạo những điểm sáng tích cực, đem lại niềm tin cho cộng đồng quốc tế. Việc CHDCND Triều Tiên đồng ý dỡ bỏ các cơ sở hạt nhân, Mỹ đưa nước này ra khỏi danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố và liên tục tiến hành đối thoại với Bình Nhưỡng, đã phá vỡ thế bế tắc trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Trong bộn bề khó khăn khi phải nhanh chóng khắc phục thảm hoạ của trận động đất kinh hoàng ở Tứ Xuyên làm gần 70 nghìn người thiệt mạng, Trung Quốc đã tổ chức thành công Thế vận hội Olympic.

Năm 2008, các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tiếp tục đạt sự đồng thuận trong việc giải quyết các vấn đề của Hiệp hội và đều đã phê chuẩn Hiến chương ASEAN. Văn kiện này chính thức có hiệu lực từ ngày 15/12/2008, tạo sự liên kết chặt chẽ hơn nữa về chính trị, kinh tế, chắc chắn sẽ tạo động lực giúp các nước thành viên ứng phó có hiệu quả cuộc khủng hoảng tài chính và góp phần giải quyết những vấn đề nảy sinh của nước mình.

Những tháng cuối năm 2008, giá dầu đã giảm ở mức dưới 50 USD/thùng - mức thấp nhất trong 3 năm qua, do tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm. Điều này đặt ra vấn đề cần thiết phải làm lúc này là mỗi quốc gia và cả cộng đồng cần có những biện pháp ngăn chặn đà suy thoái, để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng.

Chống biến đổi khí hậu cũng là một trong những mục tiêu được cộng đồng quốc tế rất quan tâm và nỗ lực. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là vấn đề bức thiết đối với thế giới, khi năm 2008, biến đổi khí hậu vẫn là một trong những nguyên nhân gây ra những thảm hoạ thiên tai kinh hoàng ở nhiều nước trên thế giới.

Các quốc gia phát triển ở châu Âu đã có bước tiến tích cực trong nỗ lực này, khi tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu tổ chức tại Brussel (Bỉ) trong hai ngày 11 - 12/12/2008, đã nhất trí thông qua kế hoạch 20-20-20, trong đó, các nước trong khu vực phấn đấu đến năm 2020 giảm 20% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tiết kiệm 20% năng lượng tiêu thụ và tăng sử dụng năng lượng tái chế lên 20% tổng năng lượng sử dụng.

Nếu nhóm các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ - những quốc gia chiếm tới 1/3 lượng khí thải trên thế giới - cũng có những cam kết như vậy, cộng đồng quốc tế sẽ nhanh chóng đạt đươc một thoả thuận mới thay thế Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2012./.