Sau vụ chìm phà Sewol hồi tháng 4 vừa qua, trong đó đa phần là học sinh thiệt mạng, nhiều bậc phụ huynh Hàn Quốc đã bắt đầu tính đến việc cho con em tham gia các khóa học an toàn cũng như trang bị cho con cái những thiết bị an toàn. Điều này cho thấy, vụ chìm phà Sewol có ảnh hưởng không nhỏ không chỉ tới đời sống chính trị mà cả đời sống xã hội Hàn Quốc.

Những ngày này tại Hàn Quốc, nhiều bậc phụ huynh vốn nổi tiếng là những người kèm cặp con cái sát sao ở trường học, đã bắt đầu nghĩ đến việc cho con em mình tham gia các khóa học an toàn nhằm trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ bản thân trong trường hợp gặp nguy hiểm.

than-nhan1_kxsv.jpg  Nỗi đau của thân nhân hành khách phà Sewol (Ảnh: Reuters)

Chị Lee Eun-jung, một bà mẹ 46 tuổi, có ba cô con gái, trong đó một cô đã thiệt mạng trong vụ tai nạn phà Sewol cho biết: “Theo tôi, tai nạn phà Sewol đã làm thay đổi rất nhiều những suy nghĩ của tôi về cuộc sống. Trước đây, tôi chưa bao giờ xem trọng sự an toàn cho bản thân và gia đình, cũng không nghĩ nhiều về điều đó. Song giờ có lẽ tôi phải thay đổi. Cuộc sống của chúng tôi hoàn toàn có thể gặp nguy hiểm”.

Theo một thống kê, sau vụ chìm phà Sewol, số người đăng ký tham gia các lớp học trang bị các kiến thức an toàn cho bản thân như các khóa học bơi, các khóa diễn tập tình huống gia định khi phà chìm…. gia tăng mạnh tại Hàn Quốc. Chí tính riêng tại các trung tâm an toàn của nhà nước, số người đăng ký học đã tăng hơn 20% so với trước thời điểm xảy ra vụ tai nạn.

Bé Shin Ji-won, một học sinh tham gia khóa học bơi tại Seoul nói: “Bố mẹ đăng ký cho cháu tham gia khóa học này và bản thân cháu cũng thấy là mình cần phải học bơi. Sau vụ chìm phà, cháu càng ý thức hơn việc phải làm sao để đương đầu với các tình huống nguy hiểm. Tham gia khóa học này, cháu sẽ được trang bị các kiến thức an toàn cho bản thân trong tình huống nguy hiểm”.

Không chỉ các khóa học mà số lượng áo phao, được bán ra tại Hàn Quốc thời gian gần đây cũng đã tăng mạnh. Ông Nam Nam Uk-hyun, quản lý một siêu thị tại Hàn Quốc cho biết: “Mọi người tại Hàn Quốc ngày càng quan tâm tới sự an toàn của bản thân và gia đình kể từ sau khi xảy ra vụ chìm phà Sewol. Số lượng áo pháo được bán tại siêu thị của chúng tôi đã tăng gấp đôi so với năm ngoái”.

Theo đánh giá của giới chuyên gia Hàn Quốc, vụ chìm phà Sewol là bài học “đắt giá” đối với xã hội Hàn Quốc, vốn xem nhẹ sự an toàn của bản thân và gia đình. Ông Shim Jun-seop giáo sư đại học Chung-Ang ở thủ đô Seoul nhận xét: “Cú sốc mà vụ chìm phà gây ra đối với xã hội Hàn Quốc là rất lớn. Theo tôi, vụ việc này sẽ làm thay đổi nhiều thứ trong cách nghĩ của người dân như vấn đề an toàn, xử lý rủi ro trong thảm họa”.

Phà nhiều tầng Sewol trọng tải 6.825 tấn đã bị chìm ngày 16/4 khi đang trên hành trình từ thành phố cảng Incheon tới đảo nghỉ dưỡng Jeju làm hơn 300 người thiệt mạng. Trên phà có 476 người, phần lớn là học sinh và giáo viên một trường trung học đang đi dã ngoại. Điều tra ban đầu cho thấy chiếc phà đã chở gấp 3 lần số tải trọng cho phép.

Một thực tế là nhiều học sinh cũng đã thiệt mạng do tuân theo chỉ dẫn của trưởng phà là hãy đợi trong ca-bin trong khi nhiều thủy thủ của phà thì đã nhanh chóng bỏ phà để mặc cho hành khách mắc kẹt bên trong. 15 thuyền viên trên chiếc phà trên đã sống sót sau vụ tai nạn song đã bị kết án, trong đó có 4 người phải đối mặt với cáo buộc cố ý giết người, với mức án cao nhất là tử hình. Vụ chìm phà sau đó cũng đã khiến nhiều quan chức cấp cao của Hàn Quốc, trong đó có Thủ tướng Chung Hong-won đệ đơn từ chức.

Trong diễn biến mới nhất, trong ngày hôm nay (13/6), Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã tiến hành cải tổ nội các, trong đó có tới 7 vị trí lãnh đạo các bộ được thay thế. Đây là cuộc cải tổ nội các quy mô lớn đầu tiên được thực hiện kể từ khi bà Park Geun-hye nhậm chức hồi tháng 2/2013, trong bối cảnh chính quyền đối mặt với chỉ trích gay gắt về công tác ứng phó chậm với thảm họa chìm phà Sewol./.