Ngày 6/1, Đảng Vì nước Thái cầm quyền của Thái Lan tổ chức hội thảo bàn về phương án tiến hành sửa đổi Hiến pháp với mục đích thúc đẩy cải cách chính trị theo hướng dân chủ hơn.

yingluck-shinawatra-.jpg
Thủ tướng Yinhluck Shinawatra. (ảnh: Sulekla)

Tại cuộc hội thảo, Thủ tướng Yinhluck Shinawatra phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng và cần thiết sửa đổi Hiến pháp nhằm phát huy quyền dân chủ của nhân dân; đảm bảo vai trò trụ cột của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; đồng thời tạo thuận lợi cho việc điều hành các chính sách của Chính phủ.

Tuy nhiên, các thành viên ban lãnh đạo và hạ nghị sỹ thuộc Đảng Vì nước Thái đã có những ý kiến, quan điểm khác biệt và chưa thống nhất được phương án sửa đổi Hiến pháp. Nhiều ý kiến cho rằng phương án trưng cầu ý dân trước khi sửa đổi Hiến pháp hay phương án sửa đổi một số điều của Hiến pháp hiện hành đều có những khó khăn, trở ngại, khó đạt được sự đồng thuận của xã hội. Một số ý kiến đề nghị nên dành thời gian thỏa đáng để tiến hành tuyên truyền rộng rãi; tham khảo ý kiến của các chuyên gia luật pháp và nhân dân về sửa đổi Hiến pháp, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Cùng ngày, Chủ tịch đảng Dân chủ đối lập Abisit tuyên bố đảng này vẫn giữ lập trường phản đối sửa đổi toàn bộ bản Hiến pháp hiện hành; chỉ chấp nhận sửa đổi một số điều của Hiến pháp liên quan quyền lợi của toàn dân. Trong khi đó, Trung tâm nghiên cứu ABAC vừa công bố kết quả thăm dò dư luận Thái Lan, cho thấy: gần 90% số người được hỏi cho rằng hiện chưa phải là thời điểm thích hợp để tiến hành sửa đổi Hiến pháp; 84% mong muốn Chính phủ trước mắt cần tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc về kinh tế - xã hội của nhân dân, sau đó mới xem xét việc sửa đổi Hiến pháp.

Diễn biến mới nhất về tiến trình sửa đổi Hiến pháp của Thái Lan cho thấy đây là vấn đề phức tạp, còn gây nhiều tranh cãi và có thể tiếp tục bị trì hoãn./.