Các cuộc giao tranh giữa lực lượng quân đội chính phủ và phe đối lập tại Syria vẫn tiếp diễn ác liệt tại thành phố Aleppo, nơi được cho là có vị trí chiến lược quan trọng đối với cả hai bên. Trong khi đó, những bế tắc đối với cuộc khủng hoảng Syria đã đặt ra yêu cầu cải cách đối với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ), khi mà cơ quan này cho đến nay vẫn chưa thể đưa ra một giải pháp hữu hiệu nào về cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này.  

lien-hop-quoc.jpg
Một cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ về tình hình Syria (Ảnh: AFP)

Ngày 29/9 là ngày thứ ba của cuộc tấn công tổng lực do các tay súng nổi dậy tiến hành nhằm vào lực lượng chính phủ để giành quyền kiểm soát Aleppo, thành phố lớn nhất và có vị trí chiến lược quan trọng tại Syria. Theo AFP, bắt đầu từ chiều 27/9, Quân đội Tự do Syria thuộc phe đối lập phát động cuộc tấn công tổng lực mang tính quyết định trên.  

Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước Sana của Syria cho biết, lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày 29/9 đã giành quyền kiểm soát tại 2 quận của Aleppo. Lực lượng của ông Bashar al-Assad cũng mở nhiều cuộc tấn công vào tỉnh Daraa ở miền Nam và tỉnh Deir Ezzor thuộc khu vực miền Đông. Theo hãng tin Reuters (Anh), trong ngày 29/9, ít nhất 40 người chết vì chiến sự trên cả nước Syria.

Trước những diễn biến ngày càng xấu đi tại Syria, ngày 29/9, phát biểu tại khóa họp 67 của Đại Hội đồng LHQ đang diễn ra tại New York, Mỹ, Ngoại trưởng New Zealand Murray McCully kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động để giúp chấm dứt đổ máu tại Syria.

Ngoại trưởng Murray McCully cho rằng, trong bối cảnh các nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ tiếp tục chia rẽ sâu sắc về vấn đề Syria, thì vấn đề cải cách Hội đồng Bảo an LHQ được đặt ra một cách cấp thiết: “Cải cách Hội đồng Bảo an LHQ đã trở thành vấn đề cấp thiết hiện nay và đó là điều quyết định uy tín của Hội đồng Bảo an trong tương lai. Tất cả các nước thành viên LHQ sẽ nỗ lực nâng cao vị trí của mình và nỗ lực tìm ra các cải cách phù hợp đối với Hội đồng Bảo an và các cải cách đó cần nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nước thành viên LHQ”.

Trước đó, cũng tại khóa họp lần thứ 67 của Đại hội đồng LHQ, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov  đã cáo buộc phương Tây ngăn chặn các hành động của LHQ đối với Syria. Ngoại trưởng Sergei Lavrov  khẳng định, chính việc các nước phương Tây không sớm tuân thủ Hiệp định Geneva về Syria đã dẫn đến sự đình trệ về một giải pháp cho cuộc khủng hoảng kéo dài suốt 18 tháng qua tại quốc gia này.

Theo ông Sergei Lavrov, thay vì kêu gọi các bên tại Syria ngừng bắn và đối thoại, Mỹ và các nước phương Tây tiếp tục siết chặt các biện pháp trừng phạt, đồng thời khuyến khích phe đối lập kiên quyết đấu tranh để lật đổ ban lãnh đạo Syria hiện thời và điều này càng khiến cho cuộc khủng hoảng bạo lực tại nước này ngày càng rơi vào bế tắc./.