Tuy vậy, khi Thủ tướng Maliki chưa từ bỏ tham vọng nắm giữ nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 3, thì tiến trình thành lập Chính phủ mới của ông al-Abadi chắc chắn sẽ còn gặp nhiều trở ngại.
Bầu được Thủ tướng mới là một bước ngoặt quan trọng trên chính trường Iraq trong bối cảnh nước này phải đối mặt với thách thức lớn từ nhóm phiến quân tự xưng “Nhà nước Hồi giáo” (IS).
Chọn được Thủ tướng mới, chính trường Iraq coi như đã được khai thông bế tắc bước đầu, dọn đường cho tiến trình thành lập Chính phủ đoàn kết dân tộc. Ông al-Abadi sẽ có 30 ngày để thành lập một Chính phủ toàn diện, có sự tham gia của mọi thành phần xã hội, tôn giáo.
Theo dự đoán, ông al-Abadi sẽ nhận sự ủng hộ cần thiết từ người Sunni và người Kurd. Ngoài ra, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị và xung đột tại nước này đang leo thang, ông cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều nước.
Sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố hoàn toàn ủng hộ Thủ tướng mới của Iraq, ngày 12/8, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo, ông Maliki không nên sử dụng vũ lực để duy trì quyền lực. Ông Kerry cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị tại Iraq chấm dứt mâu thuẫn.
“Nhà lãnh đạo Iraq mới đang gặp một thử thách rất khó khăn. Chỉ có thể lấy lại niềm tin của công chúng bằng cách thành lập một Chính phủ toàn diện. Chúng tôi sẽ sát cánh cùng người dân Iraq trong quá trình chuyển đổi Chính phủ”, ông Kerry nói.
Trong một cuộc họp báo chung, Bộ trưởng quốc phòng Anh và Đức cũng hoan nghênh Thủ tướng được đề cử của Iraq. Cả hai bộ trưởng Anh và Đức hy vọng, ông al-Abadi có thể thành lập một Chính phủ bao gồm đại diện của các tộc người Iraq khác nhau nhằm giúp nước này có một tương lai ổn định hơn.
Bộ trưởng quốc phòng Đức Ursula Von der Leyen nói: "Cả hai chúng tôi đều tin rằng, với tất cả những khó khăn mà chúng ta đang nhìn thấy tại Iraq thì đó là dấu hiệu tốt khi ông al-Abadi được giao nhiệm vụ đoàn kết Chính phủ và người dân Iraq. Điều này khác với việc ông Maliki đã tập trung quá nhiều quyền lực vào người Shiite và do đó dẫn đến sự chia rẽ tại Iraq”.
Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã hoan nghênh sự kiện mà ông coi là một bước tiến dẫn tới thành lập Chính phủ ở Iraq. Ông Ban Ki-moon hi vọng Thủ tướng được đề cử sẽ thành lập một chính phủ toàn diện được mọi thành phần xã hội Iraq chấp nhận.
Hôm qua, Liên đoàn Arab, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Thủ tướng được đề cử al-Abadi.
Sự kiện ông Maliki buộc phải ra đi và ông al-Abadi được chọn làm Thủ tướng mới đã được người dân ở thủ phủ Arbil của khu tự trị người Kurd hoan nghênh.
Người dân ở thành phố Baquba của người Sunni đã tụ tập trên phố và bắn súng chỉ thiên ăn mừng sự kiện này. Ngoài ra, tại thủ đô Baghdad nhiều người dân cũng bày tỏ sự ủng hộ với ông al-Abadi với mong muốn, ông sẽ chấm dứt được nỗi sợ hãi của người dân liên quan đến xung đột giáo phái và sắc tộc.
Một người dân Iraq nói: “Tôi nghe nói rằng ông al-Abadi được yêu cầu thành lập Chính phủ. Chúng tôi cảm thấy rất vui mừng. Chúng tôi hy vọng rằng Chính phủ mới sẽ thành công trong việc chấm dứt tranh chấp và chấm dứt chủ nghĩa bè phái, bởi vì tranh chấp và chủ nghĩa bè phái là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng xung đột hiện nay tại Iraq".
Tuy nhận được sự ủng hộ cả trong và ngoài nước nhưng quá trình chuyển giao quyền lực ở Iraq chắc chắn sẽ gặp nhiều gian nan vì ông Maliki, người đã nắm quyền suốt 8 năm qua đã phản đối việc đề cử ông al-Abadi, coi đây là một vi phạm nguy hiểm đối với hiến pháp Iraq và là một cuộc đảo chính gây ra “hậu quả nghiêm trọng với đoàn kết, chủ quyền và độc lập của Iraq”.
Ông Maliki đã nộp đơn kiện lên tòa án và cho biết có mọi bằng chứng cho thấy liên minh của ông chiếm nhiều ghế nhất trong Quốc hội và có quyền đề cử ứng cử viên vào vị trí Thủ tướng. Ông còn cáo buộc các đối thủ chính trị của mình câu kết với Mỹ để gạt ông ra khỏi chính trường.
Hiện Iraq cần một mặt trận thống nhất nhằm chống lại sự nổi dậy ngày càng mạnh mẽ của các phiến quân Hồi giáo. Nhưng, căng thẳng chính trị đang làm sâu sắc hơn sự chia rẽ ở quốc gia Trung Ðông đa sắc tộc, tôn giáo này.
Nhất cử nhất động từ các phe phái đều có thể kích hoạt ngòi nổ xung đột. Do vậy, kể cả sau khi Chính phủ mới tại Iraq được thành lập, diễn biến tại nước này vẫn vô cùng phức tạp và khó lường./.