Mặc dù Nga và Armenia không có cùng biên giới nhưng Armenia là một đồng minh thân cận của Nga ở khu vực Kavkaz nằm giữa biển Đen và biển Caspi, đồng thời là nơi đặt một căn cứ quân sự lớn của Nga.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO với tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng khu vực và toàn cầu đã tuyên bố sẽ đứng về phía Azerbaijan trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh dù là "trên chiến trường hay trên bàn đàm phán". Tuy nhiên, Ankara phủ nhận thông báo phía Armenia cho rằng nước này đã cử các tay súng ở Syria và máy bay chiến đấu F-16 tới yểm trợ các lực lượng của Azerbaijan.
Trên thực tế, cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều là những nhân tố không thể bỏ qua khi cuộc giao tranh giữa Azerbaijan và Armenia ở khu vực Nagorno-Karabakh ngày càng khốc liệt và có xu hướng bị quốc tế hóa.
Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Azerbaijan?
Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan có quan hệ thân thiết với nhau nhờ mối liên kết lịch sử và văn hóa. Thổ Nhĩ Kỳ là nước đầu tiên công nhận độc lập của Azerbaijan sau khi Liên Xô tan rã năm 1991. Hai nước cũng thúc đẩy mạnh mẽ các mối quan hệ về kinh tế. Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp đường ống dẫn dầu để Azerbaijan xuất khẩu khí đốt và dầu mỏ trong khi Azerbaijan từ lâu đã trở thành nhà đầu tư lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Nếu nói mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan là "có đi có lại" và cả hai bên đều "toại lòng nhau" thì trái lại, Thổ Nhĩ Kỳ không có quan hệ ngoại giao với Armenia. Ankara thậm chí đóng cửa biên giới với Yerevan năm 1993 để thể hiện sự đoàn kết với Azerbaijan về vấn đề tranh chấp ở Nagorno-Karabakh.
Năm 2009, việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nhượng bộ trong nỗ lực hòa giải với Armenia đã khiến Azerbaijan giận dữ. Ông Erdogan sau đó đã tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ chỉ thiết lập quan hệ chính thức với Armenia nếu nước này rút khỏi khu vực Nagorno - Karabakh.
Mang tính biểu tượng hơn là thực chất
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã huấn luyện cho các sĩ quan của Azerbaijan trong nhiều thập kỷ. Hồi tháng 8, các lực lượng vũ trang của họ đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự trên quy mô lớn ở Azerbaijan. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ 3 cho Azerbaijan sau Nga và Israel. Ankara cũng được cho là đã bán máy bay không người lái và bệ phóng tên lửa cho nước Trung Á này, Ozgur Unluhisarcikli, giám đốc Quỹ Marshall Đức tại Ankara cho hay, đồng thời nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đã cử các chuyên gia điều khiển máy bay không người lái tới Azerbaijan để hỗ trợ nước này trong cuộc giao tranh hiện nay.
Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần khẳng định nước này sẵn sàng hỗ trợ Azerbaijan nếu được yêu cầu song đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy Ankara chủ động tham gia vào cuộc xung đột. Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá được rằng Azerbaijan có đủ khả năng chiến đấu mà chưa cần tới sự hỗ trợ của nước này.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng phủ nhận việc đưa các tay súng ở Syria tới để trợ giúp Azerbaijan trong cuộc chiến mặc dù Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria có trụ sở tại London, Anh ghi nhận khoảng 850 tay súng Syria đã tới Azerbaijan.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng bác bỏ cáo buộc của Armenia cho rằng chiến đấu cơ F-16 của Ankara đã bắn hạ máy bay SU-25 của Yerevan.
Theo nhà quan sát Unluhisarcikli, sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột hiện nay "mang tính biểu tượng hơn là thực chất".
Lập trường của Nga
Armenia là một đồng minh thân cận của Nga, đồng thời là nơi đặt căn cứ quân sự lớn của Moscow với 3.000 binh lính, cách "chiến trường" Nagorno-Karabakh khoảng 200 km và cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ chưa tới 10 km.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinian coi căn cứ quân sự này là một "bức tường thành" quan trọng chống lại bất kỳ sự can thiệp nào của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cùng với Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan, Armenia và Nga cũng là các thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể. Do đó, trong cuộc đối đầu quân sự với Azerbaijan, có khả năng Armenia sẽ kêu gọi sự hỗ trợ quân sự từ liên minh này. Tuần trước, ông Pashinian cho biết hiện ông thấy chưa cần kêu gọi các lực lượng của Nga tham gia ngay lập tức vào những giao tranh hiện nay.
Các chuyên gia coi lập trường cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ với Armenia là một phần trong tham vọng của Ankara nhằm mở rộng ảnh hưởng trong khu vực và trên toàn cầu, theo đó, gia tăng nỗ lực giải quyết các tranh chấp qua "ngoại giao pháo hạm".
Quốc gia này đã tăng cường sức mạnh quân sự ở Syria trong nỗ lực ngăn cản lực lượng người Kurd tiến về khu vực biên giới. Tại Libya, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tích cực can dự khi đứng về phía chính phủ tại Tripoli để đảm bảo một thỏa thuận phân định trên biển. Ankara cũng đưa tàu nghiên cứu được các tàu chiến hộ tống thăm dò năng lượng ở vùng biển tranh chấp với Hy Lạp tại Địa Trung Hải.
"Bất kỳ nơi nào có vấn đề, Thổ Nhĩ Kỳ có xu hướng quân sự hóa vấn đề đó", nhà quan sát Unluhisarcikli đánh giá.
Trong khi giao tranh ngày càng ác liệt giữa Azerbaijan và Armenia làm dấy lên khả năng Nga sẽ tham gia vào cuộc xung đột, các chuyên gia cho biết Azerbaijan sẽ hành động cẩn trọng và hạn chế bất kỳ sự can thiệp nào của Thổ Nhĩ Kỳ.
"Sự hỗ trợ mà Azerbaijan yêu cầu từ phía Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nằm dưỡi ngưỡng "chọc giận" Nga", chuyên gia Unluhisarcikli cho hay./.