Ủy hội sông Mekong quốc tế vừa ra tuyên bố về quyết định của Chính phủ Lào tổng kiểm tra, rà soát tất cả các đập thủy điện, cũng như tạm dừng triển khai các dự án thủy điện mới. Đây được cho là một động thái tích cực của chính phủ Lào trước sự lo ngại của các quốc gia trong khu vực và các tổ chức quốc tế về những hiểm họa có thể xảy ra cho môi trường sống con người do phát triển thủy điện ồ ạt thời gian qua.

Vân Thiêng- Phóng viên VOV thường trú tại Lào đã phỏng vấn ông Phạm Tuấn Phan – Giám đốc điều hành Ban thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế về vấn đề này.

mekong_vov_lmie.jpg
Ông Phạm Tuấn Phan- Giám đốc điều hành Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN.

PV:Là một tổ chức liên chính phủ, quan tâm đến lợi ích của tất cả các quốc gia trong Tiểu vùng sông Mekong, quan điểm của Ủy hội sông Mekong quốc tế như thế nào trước quyết định của Chính phủ Lào về việc tổng rà soát, kiểm tra an toàn tất cả các đập thủy điện không ạ?

Ông Phạm Tuấn Phan:Chúng tôi rất ủng hộ và hoan nghênh quyết định này cũng như sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ Lào khi cho xem xét lại toàn bộ mức độ an toàn của các đập thủy điện đang khai thác cũng như kiểm tra lại các dự án đầu tư mới, đồng thời cập nhật, xem xét lại kế hoạch, chiến lược phát triển thủy điện của họ. Quyết định của Chính phủ Lào rất tốt cho việc tiếp tục các hoạt động nghiên cứu, phát triển, khai thác sông Mekong một cách bền vững hơn.

PV:Ông vừa nói đến một chiến lược phát triển thủy điện bền vững trên sông Mekong. Ông có thể chia sẻ chi tiết hơn với thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) về kế hoạch này ?

Ông Phạm Tuấn Phan: Chiến lược phát triển thủy điện bền vững trên sông Mekong đã được ủy hội nghiên cứu từ chục năm nay. Nhưng vừa rồi thì có cập nhật lai, phát triển lại. Chiến lược này  xem lại tất cả những việc đã làm từ trước đến nay, đồng thời nhìn về tương lai để nghiên cứu, phát triển, khai thác sông Mekong bền vững hơn.

Việc cập nhật này bao gồm xem xét lộ trình phát triển có thể thay thế lẫn nhau, xem xét danh mục dự án tối ưu, bền vững nhất, có tính tới yêu cầu hợp tác năng lượng trong khu vực, các mục tiêu năng lượng quốc gia, các hình thức năng lượng tái tạo mới như là năng lượng mặt trời- một thế mạnh của tiểu vùng sông Mekong, rồi tính đến vấn đề biến đổi khí hậu, ảnh hưởng xã hội, môi trường xuyên biến giới, chia sẻ chi phí cũng như lợi ích nhằm phát triển một cách bền vững cho cả lưu vực chứ không phải cho riêng một quốc gia thành viên nào.

PV:Thưa ông, với tuyên bố ủng hộ quyết định của Chính phủ Lào, Ủy hội sông Mekong nhìn nhận thế nào về sự cố vỡ đập thủy điện Sepian Senamnoy?

Ông Phạm Tuấn Phan:Sự cố vỡ đập vừa rồi là một tổn thất rất lớn. Chúng tôi rất đồng cảm và chia sẻ với những khó khăn đó của Chính phủ và nhân dân Lào. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng sự có này cũng mở ra một hy vọng mới về việc khai thác bền vững sông Mekong - một trong những dòng sông lớn nhất thế giới theo hướng tối ưu, bền vững hơn và ít bất đồng hơn.

Chúng tôi đề nghị Chính phủ các nước, cũng như là các tổ chức, các khung hợp tác liên quan trong lưu vực sông Mekong kết hợp với chúng tôi trong việc hỗ trợ Chính phủ Lào cập nhật chiến lược phát triển thủy điện của quốc gia này.

PV:Ông có thể nói rõ hơn thế nào là cơ hội không ạ?

Ông Phạm Tuấn Phan:Trước đây các nước thường có kế hoạch phát triển cho riêng mình mà chưa quan tâm đến qui hoạch của cả vùng sông Mekong. Bây giờ, khi Chính phủ Lào đặt ra vấn đề cập nhật lại, rà soát lại kế hoạch cũng như là chiến lược phát triển thủy điện của mình thì đây là một cơ hội để chúng tôi có thể kết hợp kế hoạch, chiến lược phát triển thủy điện của riêng Lào cùng với kế hoạch và chiến lược phát triển thủy điện của toàn vùng sông Mekong. Đó là một cơ hội rất tốt cho Ủy hội cũng như cho tất cả các nước trong lưu vực sông Mekong.

PV:Vâng. Xin cảm ơn ông!