Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov ngày 2/3 cho biết nước này sẽ nhận thêm tên lửa chống tăng Stinger và Javelin từ các nước phương Tây, cùng một lô máy bay không người lái (UAV) mới từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, Mỹ và các nước phương Tây đã tuyên bố gửi viện trợ quân sự cho Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 25/2  đã chỉ thị cho Bộ Ngoại giao nước này hỗ trợ số vũ khí trị giá 350 triệu USD từ kho dự trữ của Mỹ cho Ukraine giúp Kiev đẩy lùi cuộc tấn công của Nga. Trước đó, Ukraine đã yêu cầu được cung cấp tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa Stinger để bắn hạ máy bay. Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết, đợt chuyển giao vũ khí lần thứ 3 này là “điều chưa từng có tiền lệ”.

Đức cũng tuyên bố sẽ gửi 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa Stinger. Người phát ngôn của chính phủ Đức, Steffen Hebestreit nói rằng, số vũ khí này sẽ được đưa đến Ukraine “sớm nhất có thể". Bên cạnh đó, Đức cũng hỗ trợ Ukraine 14 xe bọc thép và 10.000 tấn nhiên liệu. Các vũ khí này sẽ được đưa qua biên giới Ba Lan - Ukraine. Quyết định của Đức khá gây bất ngờ vì trước đây nước này từng phản đối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Ngoài vũ khí chống tăng và áo chống đạn đã gửi cho Ukraine, Anh cũng thông báo sẽ cung cấp thêm vũ khí phòng thủ sát thương và viện trợ phi sát thương cho Ukraine.

Đáng chú ý, Thụy Điển ngày 28/2 cho biết nước này sẽ cũng cấp thiết bị quân sự, trong đó có cả vũ khí chống tăng cho Ukraine, đi ngược lại với quan điểm truyền thống không cung cấp vũ khí cho những quốc gia đang xảy ra xung đột. Theo đó, 5.000 vũ khí chống tăng Pansarskott 86, có tên quốc tế là Bofor AT-4, sẽ được gửi tới Ukraine./.