Quốc hội Ukraine vừa thông qua luật tái hòa nhập vùng lãnh thổ ly khai Donbass, trong đó miêu tả cuộc chiến tranh đang diễn ra ở miền Đông là “một sự chiếm đóng của Nga”.
Miền Đông Ukraine vẫn chưa được bình yên. Ảnh: Reuters. |
Dự luật đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ không chỉ từ quốc tế, mà ngay cả trong nước. Nhiều nhà phân tích cho rằng, điều này có thể dẫn tới một sự leo thang căng thẳng mới, khi văn kiện đi ngược lại hoàn toàn với Thỏa thuận hòa bình Minsk nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài tại Ukraine.
Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã hoan nghênh quyết định của Quốc hội, khẳng định, đây là một tín hiệu rõ ràng không chỉ gửi tới khu vực Donbass, mà cả Crimea, vùng lãnh thổ đã xin sáp nhập vào Nga từ năm 2014.
“Tôi xin gửi lời lời cảm ơn tới tất cả các nghị sĩ khi bỏ phiếu thông qua đề xuất luật mới này, khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chiến lược của Tổng thống nhằm giải phóng Donbass. Đây cũng là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy, Quốc hội Ukraine có thể đoàn kết khi cần thiết”, ông Petro Poroshenko nói.
Văn kiện được thông qua ngày 18/1 xác định quy chế của vùng chiến sự và coi những vùng lãnh thổ này là “tạm thời bị chiếm đóng”. Đề xuất luật cũng làm rõ vai trò của các lực lượng vũ trang trong tình hình hiện nay, đồng thời tăng cường quyền hạn của người đứng dầu các lực lượng vũ trang, tức là Tổng thống. Những người phản đối văn kiện cho rằng đây là một sự dọn đường cho phép Tổng thống Petro Poroshenko có thể huy động quân đội mà không chịu sự kiểm soát nào của Quốc hội.
Văn kiện được chính quyền Ukraine rất mong đợi, bởi nước này lâu nay vẫn chỉ trích Nga có vai trò trong những bất ổn tại khu vực miền Đông. Tuy nhiên, nó lại vấp phải sự chỉ trích không chỉ ở nước ngoài mà ở ngay chính Ukraine. Bởi, việc thông qua văn kiện cũng đồng nghĩa với việc chính quyền Ukraine từ bỏ những cam kết đưa ra trong thỏa thuận hòa bình Minsk.Nga sẵn sàng trả lại Ukraine khí tài quân sự trên bán đảo Crimea
Văn kiện đạt được tại thủ đô của Belarus này nêu rõ, Ukraine có nghĩa vụ cấp quy chế đặc biệt cho hai tỉnh miền Đông là Donetsk và Lugansk. Năm 2014, nước này cũng đã thông qua luật về quy chế đặc biệt vùng Donbass, song chưa bao giờ được áp dụng trên thực tế.
Ông Mykhailo Papiyev, một nghị sĩ đối lập thậm chí đã trích dẫn lời các quan chức Mỹ khẳng định: “Ngay trước ngày 18/1, Đại sứ Mỹ đã một lần nữa nhắc lại rằng, nước này phản đối mạnh mẽ mọi hành động đi ngược lại với thỏa thuận Minsk đã được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua, cũng như được Mỹ, Đức và Pháp công nhận”.
Đối với Nga, đây là một sự hợp pháp hóa lựa chọn quân sự trong giải quyết cuộc xung đột thay vì đàm phán ngoại giao. Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ, luật “tái hòa nhập” các vùng lãnh thổ ly khai Donbass là bước chuẩn bị cho một sự cuộc leo thang quân sự mới, bất chấp cuộc xung đột kéo dài suốt 4 năm qua tại miền Đông Ukraine đã cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người.
Trước những chỉ trích này, Chính phủ Ukraine ngay lập tức tìm cách xoa dịu khi khẳng định nước này vẫn ưu tiên cho ngoại giao và hòa giải với người dân khu vực. Văn kiện được thông qua chỉ đơn giản là nhằm chấm dứt thế bế tắc của cuộc xung đột, cũng như hướng tới cải thiện điều kiện sống của hơn 3 triệu người dân./.