Tuy nhiên, trong một tuyên bố hôm nay (3/3), Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin vẫn cho rằng, sứ mệnh của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ở miền Đông Ukraine cần phải được tăng cường hơn nữa và có thể phải nhờ sự giúp đỡ từ Liên Hợp Quốc.

ma_jurk.jpgThỏa thuận rút vũ khí hạng nặng và ngừng bắn được thực hiện ở nhiều nơi, trừ Mariupol,Ukraine (ảnh: ibtimes.co.uk)
Phát biểu trước báo giới hôm nay trong chuyến thăm Nhật Bản, Ngoại trưởng Climkin cho biết, chính phủ Ukraine đang thúc đẩy một sứ mệnh của LHQ hoặc EU và cũng có thể là một sứ mệnh kết hợp của 2 tổ chức này nhằm ổn định tình hình chiến tuyến ở miền Đông.

Ông Climkin cho rằng, tình hình ở Donestk và Lugansk vẫn hết sức khó khăn và căng thẳng, do đó nếu Nga cam kết ủng hộ  hòa bình cho miền Đông Ukraine, Moscow nên có phản ứng tích cực đối với bất cứ sáng kiến nào nhằm tăng cường sự ổn định ở Donestk và Lugansk.

“Chúng tôi tin rằng thỏa thuận ở Minsk là cách toàn diện duy nhất để đi đến hòa bình và nó phải được thực thi một cách tổng thể, bao gồm việc ngừng bắn, rút quân và thúc đẩy tiến trình chính trị. Chúng tôi hoàn toàn tuân thủ cam kết trong thỏa thuận ở Minsk nhưng chúng tôi cũng cần Nga và phe đối lập ở Donesk và Lugansk tôn trọng lệnh ngừng bắn này, rút lực lượng ra khỏi đây theo quy trình và yêu cầu của sứ mệnh giám sát do OSCE đứng đầu.”

Ngoại trưởng Ukraine cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đóng cửa biên giới với Nga vì cho rằng mọi yếu tố gây bất ổn ở miền Đông đều đến từ cường quốc láng giềng này. Ngược lại, Nga nghi ngờ cam kết của chính quyền ở Kiev đối với lệnh ngừng bắn, đồng thời căn vặn Mỹ và EU rằng 2 đối tác này liệu có thực sự mong muốn thỏa thuận hòa bình ở Minsk thành công hay không khi vẫn áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Moscow.

Nhìn chung tình hình Ukraine đang diễn biến tích cực hơn khi lãnh đạo nhóm Bộ tứ Normandy, gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nhất trí 6/3 sẽ thảo luận về vấn đề phái bộ hòa bình tại Ukraine.

Sau cuộc điện đàm 4 bên hôm qua, lãnh đạo Nga, Pháp và Đức đã lên tiếng hoan nghênh bất cứ tiến bộ nào trong việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn và nhất trí với đề xuất của Ukraine yêu cầu Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu giúp đỡ thực thi thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông. Phát biểu sau cuộc gặp Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg hôm qua tại Paris, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết:“Lập trường của Pháp là thỏa thuận ở Minxcơ phải được thực thi đầy đủ, chắc chắn và đem tác động ngay lập tức. Điều này có nghĩa rằng không có sự vi phạm nào được bỏ qua. Lệnh ngừng bắn và rút vũ khí hạng nặng cần phải được tôn trọng.”

Mặc dù các bên ở Ukraine đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc thực thi thỏa thuận Minsk nhưng trong báo cáo mới nhất, Ủy ban điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ nhận định lệnh ngừng bắn ở Đông Ukraine vẫn rất mong manh trong khi người dân khu vực này thiếu nước uống, lương thực và hàng hóa thiết yếu.

Theo báo cáo, giao tranh vẫn xảy ra tại một số khu vực gần sân bay Donetsk và thành phố Mariupol, dù quy mô đã giảm đáng kể. Số người thiệt mạng ở miền Đông Ukraine kể từ tháng 4/2014 đến nay đã vượt qua con số 6.000. LHQ hy vọng sẽ nhận được 316 triệu USD để trợ giúp cho 3,2 triệu người dân miền Đông Ukraine bị tác động của xung đột. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có Nga thực hiện việc trợ giúp cho người dân vùng này./.