Tình hình tại Ukraine và các khu vực miền Đông đang ngày càng xấu đi. Xung đột những ngày qua, dù vẫn còn hạn chế song lại là nghiêm trọng nhất kể từ đầu năm tới nay.
Trong bối cảnh thỏa thuận hòa bình Minsk lần thứ 2 đang trên đà đổ vỡ, chính phủ Ukraine ngày 6/6 đã hối thúc phương Tây tăng cường hỗ trợ vũ khí để đối phó với cái mà nước này cho là “cuộc tấn công từ nước Nga”.
Quân đội Ukraine ở Mariinka (ảnh: AP) |
Các nhân chứng cho biết, trong ngày ngày 6/6 đã nghe thấy rất nhiều tiếng nổ tại khu vực sân bay và nhà ga của Donetsk và các khu vực lân cận. Theo Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu, cường độ các vụ xung đột đang gia tăng chưa từng có kể từ khi lệnh ngừng bắn đạt được hồi tháng 2 vừa qua, đồng thời nhấn mạnh, cả phía quân đội chính phủ và phe đối lập tại Ukraine đều phải chịu trách nhiệm về tình trạng căng thẳng leo thang hiện nay.
Bạo lực bùng phát trở lại hồi tuần này đã đánh dấu một nấc thang mới trong cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine, trong bối cảnh nước này vừa có tên trong danh sách 10 quốc gia có người di cư cao nhất thế giới. Hai triệu người Ukraine đã phải rời bỏ nhà cửa để chạy trốn xung đột, trong khi chỉ cách đây 1 năm con số này là 0. Theo Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu, cuộc chiến này đã gây ra những “tác động kinh khủng” tới dân thường, với hơn 60.000 người chết và 15.000 người bị thương.
Trong bối cảnh thỏa thuận hòa bình Minsk lần thứ 2 đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ, những ngày qua, chính phủ Ukraine không ngừng kêu gọi phương Tây hỗ trợ vũ khí để đối phó với cái mà nước này cho là sự tấn công từ nước Nga.
Lâu nay, với sự hậu thuẫn của phương Tây, chính phủ Ukraine thường xuyên đổ lỗi cho Nga về cuộc khủng hoảng tại miền Đông, bất chấp việc Nga nhiều lần bác bỏ.
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Canada Stephen Harper đang có chuyến thăm Kiev, cả Tổng thống Ukraine Poroshenko và Thủ tướng Yatsenyuk ngày 6/6 hối thúc phương Tây cung cấp thêm vũ khí để quân đội nước này có thể giải quyết các vấn đề tại miền Đông.
Thủ tướng Canada Harper đã hứa sẽ đưa những yêu cầu của Ukraine trở thành ưu tiên hàng đầu tại Hội nghị cấp cao G7 sẽ khai mạc trong ngày 7/6 tại Đức: "Lập trường của chúng tôi trong vấn đề Ukraine vẫn rất rõ ràng. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho phía Ukraine các trang thiết bị quân sự phi sát thương và trong khuôn khổ một chương trình hợp tác với Mỹ, lực lượng vũ trang Canada sẽ sớm được triển khai tại khu vực phía Tây Ukraine để bắt đầu đào tạo lực lượng Ukraine".
Trước chuyến thăm, Thủ tướng Canada đã thông báo nước này sẽ điều động 10 cảnh sát tới Ukraine để cùng với Mỹ hỗ trợ nước này cải cách lĩnh vực an ninh. Canada cũng thông qua một khoản hỗ trợ tài chính giúp Ukraine xây dựng lại nền kinh tế đang tuột dốc không phanh do tình trạng tham nhũng, trong đó hơn 200 triệu USD hỗ trợ phát triển và 400 triệu USD cho vay với lãi suất thấp.
Việc chính phủ Ukraine kêu gọi tăng cường viện trợ quân sự trong bối cảnh lệnh ngừng bắn mong manh đạt được hồi tháng 2 đang trên đà đổ vỡ cho thấy, việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Đông Âu này là không hề dễ dàng.
Tới nay, Mỹ và phương Tây mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp vũ khí phi sát thương cho Ukraine. Tuy nhiên, tình thế hiện nay đã không còn giống như cách đây vài tháng khi mà các nước phương Tây công khai thể hiện ý định hỗ trợ quân sự nhiều hơn cho Ukraine.
Trước tình hình đang ngày càng xấu đi do sự thiếu vắng quyết tâm nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột, những tuần qua đã ghi nhận một số thay đổi trong lập trường của Mỹ và Liên minh châu Âu.
Phương Tây dường như đang cho thấy sự mất kiên nhẫn trước lập trường của chính phủ Ukraine và không muốn mang trên vai gánh nặng Ukraine, với nền kinh tế đang ngày càng suy yếu, hoàn toàn có thể rơi vào tình cảnh vỡ nợ trong những tuần tới.
Chính vì thế theo các nhà phân tích, tình trạng căng thẳng leo thang trở lại tại Ukraine sau một thời gian tạm lắng dịu đã đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc khủng hoảng này, bởi nó sẽ cho thấy sự thay đổi lập trường của Mỹ và phương Tây cũng như những chuyển biến lớn trong quan hệ Nga- phương Tây, một trong những yếu tố được xem là quyết định trong giải quyết khủng hoảng./.