Ukraine đang rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng, mà nguyên nhân là do Tổng thống nước này Viktor Yanukovych từ chối ký thỏa thuận liên kết và thương mại với Liên minh châu Âu (EU).

yanukovich1.jpg
Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych (Ảnh: Reuters)

Cuộc khủng hoảng này cũng đang khiến Ukraine lâm vào tình trạng bế tắc trong việc tiến hành cải cách Hiến pháp, trong đó phe đối lập yêu cầu quay trở lại bản hiến pháp cách đây 10 năm nhằm hạn chế quyền lực của Tổng thống.

Giới phân tích cho rằng, sự thỏa hiệp giữa các bên trong việc thành lập chính phủ mới sẽ giúp tháo gỡ bế tắc chính trị hiện nay ở Ukraine. 

Theo kế hoạch, các Đảng trong Quốc hội Ukraine cần phải hoàn tất một bản dự luật chung về sửa đổi hiến pháp để có thể đưa ra bỏ phiếu vào phiên họp đầu tuần tới. Các thủ lĩnh phe đối lập, vốn được sự hỗ trợ từ các cuộc biểu tình trên đường phố đang gây sức ép để nước này quay trở lại với bản hiến pháp năm 2004, theo đó những quyền lực trọng yếu chi phối Chính phủ sẽ được chuyển từ Tổng thống sang Quốc hội.

Đây là điều mà Tổng thống Yanukovych không chấp nhận. Phe đối lập chỉ trích các đảng phái thân Chính phủ trong Quốc hội cố tình trì hoãn việc thông qua dự luật mới. Trước tình trạng trên, giới phân tích chính trị Ukraine cho rằng, sự thỏa hiệp giữa các đảng của Ukraine trong việc thành lập chính phủ mới là chìa khóa để chấm dứt bế tắc chính trị hiện nay.

Chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Mykola Azazov, Tổng thống Yanukovych đã chỉ định phó Thủ tướng thứ nhất A-Serhiy Arbuzov làm Thủ tướng lâm thời đứng đầu Nội các. Tổng thống Yanukovych cũng đề xuất chia sẻ chiếc ghế Thủ tướng cho nhà lãnh đạo đối lập Arsenly Yatsenyuk và chiếc ghế Phó Thủ tướng cho cựu võ sĩ quyền anh Vitali Klitschko. Theo đó, việc bổ nhiệm sẽ diễn ra nếu những người biểu tình ngừng tấn công các tòa nhà Chính phủ.

Tuy nhiên, phe đối lập đã bác bỏ những đề xuất này đồng thời tuyên bố sẽ không rút lại yêu cầu tổ chức bầu cử sớm trong năm nay.Theo các nhà phân tích, đề xuất trên của ông Yanukovych mang lại lợi ích cho sự nghiệp chính trị của các nhà lãnh đạo đối lập, song đây không phải là lợi ích chung của tất cả các đảng đối lập trong chế độ Tổng thống hiện nay.

Người biểu tình Ukraine dựng lên các chướng ngại vật trên đường phố Kiev (Ảnh: Getty Images)

Giáo sư Igor Burakovsky, thuộc Viện nghiên cứu kinh tế và tham vấn chính sách tại Kiev cho rằng: “Hiện nay, có thể nói rằng Tổng thống và quốc hội cùng bổ nhiệm Thủ tướng. Tổng thống có quyền chỉ định hoặc bãi miễn các Bộ trưởng trong nội các thông qua sắc lệnh. Do đó các ứng cử viên cho chức vụ Thủ tướng do Tổng thống quyết định.

Ông Burakovsky nói thêm: “Điều đó có nghĩa là Quốc hội không có quyền bãi nhiệm Thủ tướng mà chỉ có thể tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng và nội các, nhưng kết quả phải do Tổng thống thông qua. Như vậy chúng ta có thể thấy, mọi quyết định đều do Tổng thống đưa ra và Quốc hội không có đủ quyền lực”.

Để hạn chế quyền hạn của Tổng thống, các đảng đối lập đề xuất cải cách Hiến pháp và có kế hoạch thúc đẩy Quốc hội thông qua bản Hiến pháp mới trước tháng 9 năm nay. Các đảng đối lập yêu cầu khôi phục lại Hiến pháp 2004 nhằm đưa Ukraine chuyển tiếp sang chế độ nghị viện, theo đó Quốc hội sẽ có quyền thành lập và giải tán Chính phủ, trong khi thủ tướng có quyền bổ nhiệm các Bộ trưởng trong Nội các với sự đồng thuận trong quốc hội.

Các nhà phân tích cho rằng, nếu phe đối lập thành công trong việc sửa đổi Hiến pháp, Ukraine sẽ lặp lại lịch sử đối đầu giữa Tổng thống và Thủ tướng.

Nhà phân tích chính trị Alexander Okhrimenko nói: “Việc khôi phục hiến pháp 2004 sẽ dẫn đến việc lặp lại tình trạng đối đầu giữa Tổng thống và Thủ tướng. Nhưng cũng có một khả năng khác đó là nếu các đảng đối lập có cơ hội đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng, một Chính phủ liên minh có thể được thành lập trong khuôn khổi hiến pháp hiện hành. Như vậy Chính phủ có thể bao gồm đại diện của các đảng cầm quyền và đối lập”.

Trong bối cảnh hiện nay, việc thành lập Chính phủ như thế nào sẽ là chìa khóa mở ra hướng giải quyết bế tắc chính trị hiện nay và sự thỏa hiệp giữa các bên là giải pháp tối ưu.

Giáo sư Igor Burakovsky cho rằng: “Hiện nay các đảng cần tiến hành tham vấn chính trị đặc biệt. Nói một cách đơn giản là Chính phủ cần được trao đủ quyền hạn để thực hiện các chính sách với sự ủng hộ của cả Tổng thống và Quốc hội. Nếu làm được như vậy thì Chính phủ sẽ hoạt động hiệu quả. Đây là giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay”.

Chủ tịch Quốc hội Ukraine Volodymyr Rybak, thuộc đảng Các khu vực của Tổng thống Yanukovych cho biết, lãnh đạo các Đảng trong Quốc hội sẽ có cuộc gặp với đại diện của Tổng thống để cùng soạn thảo một dự luật về sửa đổi Hiến pháp. Quốc hội Ukraine gồm 450 nghị sĩ vẫn còn chưa rõ sẽ nghiêng về bên nào trong việc thông qua việc sửa đổi Hiến pháp./.