Các cường quốc tham gia Hội nghị quốc tế về hòa bình Trung Đông tại Paris hôm 3/6 cam kết thúc đẩy gói sáng kiến an ninh và kinh tế trong những tháng tới, để đưa Israel và Palestine quay trở lại bàn đàm phán hòa bình. 

trung_dong_iytv.jpg
Xung đột ở Trung Đông vẫn sẽ là câu chuyện chưa có hồi kết. (Ảnh: Getty)

Các nhà ngoại giao hàng đầu từ 26 quốc gia cũng cho biết sẽ tích cực hợp tác để chuẩn bị cho hội nghị cấp cao, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó có lãnh đạo Israel và Palestine, trước cuối năm nay.

Trong thông cáo đưa ra cuối hội nghị, các bên bày tỏ lo ngại về tình hình bạo lực gia tăng gần đây trong khu vực cũng như việc Israel mở rộng khu định cư.

Các nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một giải pháp hai nhà nước và các cuộc đối thoại trực tiếp giữa hai bên cần phải dựa trên các nghị quyết hiện hành của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Các nhà ngoại giao hàng đầu 26 quốc gia cũng cam kết sẽ tích cực thảo luận để tổ chức một hội nghị quốc tế trước cuối năm nay.

Đại diện của Israel và Palestine không tổ chức các cuộc đàm phán kể từ tháng 4/2014, vì vậy Hội nghị được diễn ra tại Pháp với sự tham dự của Nhóm Bộ tứ Trung Đông, Liên đoàn Arab và hơn 20 nước tham gia được kì vọng sẽ giúp hai bên thu hẹp bất đồng. Tuy nhiên Hội nghị kết thúc với một tuyên bố chung chung khiến dư luận các nước không mấy lạc quan về triển vọng sáng kiến hòa bình của Pháp. 

Thực tế đây là kết quả được dự đoán trước khi hội nghị diễn ra, khi sáng kiến của Pháp vấp phải sự phản đối của Israel và thiếu vắng sự ủng hộ tích cực của Mỹ.

Ngay sau khi cuộc họp kết thúc, Palestine hoan nghênh hội nghị tại Pháp là một bước đi quan trọng hướng tới hòa bình. Tuy nhiên, Israel ngay lập tức phản đối sáng kiến của Pháp cho rằng hội nghị chỉ nhằm ủng hộ Palestine, khiến Palestine đưa ra lập trường cứng rắn hơn trong các cuộc đàm phán.

Người phát ngôn của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ông David Keyes nhấn mạnh: “Đây là một điều tồi tệ và sẽ khiến hòa bình xa vời hơn. Tôi hiểu rằng các bên đang không hài lòng với các bước tiến trong cuộc xung đột này. Nó đã kéo dài quá lâu và cả hai bên đều bị tổn thất. Tuy nhiên con đường thực sự hướng tới hòa bình đó là Palestine và Israel phải ngồi xuống bàn đàm phán trực tiếp và thảo luận về mọi vấn đề. Đó là lập trường của Israel”.

Mỹ - nước thường có vai trò hòa giải lâu nay giữa Israel và Palestine cũng không cố gắng đưa ra bất cứ động thái hòa bình mới nào tại hội nghị. Phát biểu sau cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, một giải pháp không thể áp đặt từ bên ngoài. Israel và Palestine phải trực tiếp ngồi vào bàn đàm phán với nhau.

Trước những chia rẽ hiện nay, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cảnh báo, khoảng trống ngoại giao khiến triển vọng về một giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột đang "thực sự lâm nguy" và thế giới không thể "khoanh tay đứng nhìn" trong bối cảnh đàm phán hòa bình gián tiếp Israel -Palestine đã sụp đổ cách đây hơn hai năm.

Cao Ủy liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cho rằng: “Chúng tôi vẫn mong muốn thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông. Tuy nhiên thực tế điều này vẫn đang bị bế tắc. Do đó nhiệm vụ của cộng đồng quốc tế và EU trước tiên và quan trọng nhất đó tạo điều kiện để tái khởi động và thúc đẩy tiến trình giúp mang lại hòa bình cho Israel và Palestine”./.