Đây là một phần trong nỗ lực của chính phủ nhằm tiêu diệt những nhóm vũ trang khủng bố sau vụ tấn công trên bãi biển ngày 26/6 làm 38 người nước ngoài thiệt mạng. 

tunisia_quyet_tam_chong_khung_bo_tham_sat_tren_bai_bien_hinh_anh_loyh.jpg
Một cuốn sách ghi dòng chữ: "Tại sao họ phải chết? Chúng tôi yêu Sousse" được đặt trên những bó hoa tưởng niệm những người thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố trên bãi biển này (Ảnh AP)

Luật khẩn cấp của Tunisia sẽ giúp cho chính phủ có thể linh hoạt hơn trong hoạt động sử dụng quân đội, giới hạn các quyền nhất định cũng như đối phó với những nhóm đang lên kế hoạch thực hiện các vụ tấn công.  

Chính phủ Tunisia trước đó cũng đã ra lệnh đóng cửa 80 đền thờ hoạt động bất hợp pháp  trên khắp đất nước. Tuy nhiên, quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp đang vấp phải sự phản đối của người dân địa phương và khách du lịch, vì cho rằng điều này có thể ảnh hưởng đến ngành du lịch trọng điểm của đất nước.

Một khách du lịch đến từ Saudi Arabia cho biết: “Tôi nghĩ rằng, thời gian thực hiện luật tình trạng khẩn cấp phải giới hạn và nên kéo dài trong thời ngắn. Vụ tấn công khiến ngành du lịch bị ảnh hưởng và nền kinh tế Tunisia bị suy yếu. Tất cả chúng ta đều không ủng hộ những bất ổn đang diễn ra tại Tunisia và các nước Arab khác”.

Hàng nghìn khách du lịch đã rời khỏi Tunisia, trong khi các hãng du lịch châu Âu hủy chuyến đến quốc gia Bắc Phi này sau vụ tấn công tại bãi biển Sousse.

Theo ước tính thiệt hại khoảng 500 triệu USD cho ngành du lịch trọng điểm chiếm 7% nền kinh tế Tunisia, tạo ra gần 400.000 việc làm cho người dân địa phương.

Tuy nhiên, phát biểu trên truyền hình ngày 4/7, Tổng thống Tunisia cho rằng, vụ tấn công trên bãi biển Sousse đã đặt nước vào một cuộc chiến. Chính phủ phải sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết để đối phó với mối đe dọa này.

Ông Essebsi tuyên bố: “Chúng ta đã trải qua những thảm kịch đau thương. Chúng ta đang đối phó với chủ nghĩa khủng bố tại các khu vực vùng núi và lực lượng quân đội đã phải chịu nhiều tổn thất trong cuộc chiến này. Tuy nhiên những kẻ khủng bố đang tiến dần đến các thành phố với các vụ tấn công ngày càng nguy hiểm và gây nhiều thương vong hơn”.

Vốn được coi là một hình mẫu thành công trong quá trình chuyển đổi dân chủ trong khu vực, nhưng Tunisia hiện cũng đối mặt với sự lớn mạnh của các nhóm vũ trang Hồi giáo.

Vụ thảm sát tại bãi biển Sousse là vụ tấn công tồi tệ nhất trong lịch sử Tunisia, diễn ra 3 tháng sau vụ tấn công tại bảo tàng Bardo ở thủ đô Tunis, làm chấn động quốc gia Bắc Phi này.

Một trong những lo ngại của chính phủ nước này hiện nay đó là việc hàng nghìn công dân Tunisia đến tham chiến tại Iraq, Syria và Libya cho nhóm IS và các nhóm vũ trang khác. Một số người cảnh báo sẽ trở về nước để tiến hành các vụ tấn công.

Theo một số nguồn tin, kẻ thực hiện vụ tấn công trên bãi biển vừa qua được đào tạo từ một trại cực đoan ở khu vực biên giới Libi. Nhóm Nhà nước Hồi giáo cũng lên tiếng nhận trách nhiệm cho vụ thảm sát trên bãi biển và vụ tấn công tại bảo tàng Bardo trước đó. 

Sau một loạt các vụ tấn công khủng bố tại Pháp, Tunisia và Kuwait trong cùng một ngày, với nhiều chứng cứ cho thấy có sự tham gia của IS, khiến nhiều nước phương Tây và Arab đưa ra các cảnh báo an ninh cùng việc áp dụng những biện pháp phòng ngừa./.