Người dân Afghanistan vừa phải trải qua một tuần đẫm máu khi khi có tới hơn 200 người thiệt mạng trong các vụ tấn công khủng bố xảy ra tại nước này chỉ trong vòng 5 ngày qua.

danh_bom_afghanistan_gxir.jpg
Hiện trường 1 vụ đánh bom ở Afghanistan. Ảnh: ABC.

Điều này phần nào nói lên bức tranh an ninh đen tối tại Afghanistan. Gần 2 thập kỷ kể từ khi quân đội nước ngoài tới, Afghanistan vẫn chưa thể có ngày bình yên.

Bộ Quốc phòng Afghanistan hôm qua (21/10) cho biết, ít nhất 15 học viên quân đội nước này đã thiệt mạng trong vụ đánh bom liều chết xảy ra khi họ đang rời khỏi cơ sở huấn luyện tại thủ đô Kabul.

Đây là vụ đánh bom liều chết thứ 2 tại Kabul trong 24 giờ qua và là vụ thứ 7 trong loạt vụ tấn công lớn tại nước này kể từ hôm 17/10, nâng tổng số người thiệt mạng lên tới hơn 200 người, cùng với hàng trăm người bị thương. Nhóm phiến quân Taliban đã lên tiếng thừa nhận trách nhiệm.

Trước đó cùng ngày, trung tâm thủ đô Kabul cũng đã bị rung chuyển khi ít nhất 2 quả rocket rơi xuống khu vực gần trụ sở phái bộ quân sự quốc tế do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đứng đầu.

Vụ tấn công khiến toàn bộ khu vực có căn cứ của NATO cũng như trụ sở các đại sứ quán nước ngoài gần đó bị đặt trong tình trạng báo động. Taliban và nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm hầu hết các vụ tấn công.

Có thể thấy gần 2 thập kỷ kể từ khi Mỹ bắt đầu đưa quân tới, Afghanistan vẫn chưa thể có ngày bình yên. An ninh vẫn là một câu hỏi lớn đối với quốc gia Nam Á này. Nhóm Taliban vẫn không ngừng gia tăng sức ép với các lực lượng chính phủ, trong khi quân đội nước này vẫn phải đối phó với sự trỗi dậy của các tay súng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Thời gian gần đây lực lượng an ninh nước này cũng liên tiếp thu giữ nhiều xe ô tô chứa chất nổ.

Anh Khali Rahman, một người dân Kabul cho biết: “Chúng tôi lo ngại về an ninh, mỗi ngày chúng tôi đều phải ra ngoài làm việc và chúng tôi luôn nơm nớp lo ngại có thể xảy ra một vụ tấn công bằng bom. Nỗi sợ hãi đeo bám chúng tôi cả ngày cho tới khi trở về nhà.”

Trong một phát biểu mới đây, Tổng thống Afghanistan Mohammad Ashraf Ghani đã cảnh báo những kẻ khủng bố đang hoạt động tại nước này phải đầu hàng nếu không sẽ bị tiêu diệt. Ông nhấn mạnh chính phủ đoàn kết dân tộc và người dân Afghanistan sẽ sát cánh bên cạnh lực lượng an ninh, sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp để chống lại các tổ chức khủng bố.

Theo ước tính của Mỹ, các lực lượng an ninh Afghanistan hiện kiểm soát gần 60% lãnh thổ đất nước, Taliban kiểm soát 10% và 30% còn lại trong tình trạng bị tranh giành giữa các lực lượng chính phủ và phe nổi dậy. Thực trạng này khiến nhiệm vụ tìm lời giải cho bài toán an ninh tại Afghanistan trở thành mối quan tâm hàng đầu của chính quyền mới tại Mỹ, dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Chiến lược mới của Mỹ, với  trọng tâm là triệt tiêu các chân rết của IS và al-Qaeda, vừa phải căng sức giúp chính quyền sở tại cầm chân Taliban đang ngày một bành trướng liệu có giúp ổn định an ninh Afghanistan hay không thì vẫn cần thời gian trả lời. Song một điều chắc chắn là với lựa chọn “ở lại” Afghanistan để “nhổ tận gốc” chủ nghĩa khủng bố, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ phải tiếp tục gánh vác một nhiệm vụ quá nặng nề, phức tạp và tốn kém.

Hơn nữa, việc Taliban có thể tiếp tục hoạt động mạnh như hiện nay là do người dân Afghanistan đã mất lòng tin vào chính quyền. Do vậy, nếu không thay đổi được điều đó thì dù chính quyền Donald Trump có gửi bao nhiêu quân đến Afghanistan cũng sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì. Một chuyên gia về chính trị Afghanistan cho biết: “Bởi vì Afghanistan là một quốc gia bị chia rẽ về sắc tộc, nên sự gắn kết chính trị là rất quan trọng. Ngay lúc này đất nước đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Để ổn định Afghanistan, quân sự không phải là giải pháp. Ngoài việc hỗ trợ quân sự, chúng ta cần một giải pháp chính trị cho Afghanistan.”/.