Cuộc gặp Thượng đỉnh lần thứ hai giữa Mỹ và Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên diễn ra trong hai ngày 27-28/2 tại Hà Nội, Việt Nam đang là chủ đề thu hút sự quan tâm của báo chí quốc tế, trong đó có Cộng hòa Séc. Ngoài cập nhật diễn biến của sự kiện, truyền thông Séc còn dành phần lớn thời lượng phân tích kết quả có thể đạt được tại cuộc gặp.

truyenthongsecphantichvethuongdinhmytrieu_arbi.gif
Các tập đoàn truyền thông lớn của Séc cho rằng kỳ vọng về cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Hà Nội cao hơn so với cuộc gặp cách đây 8 tháng ở Singapore.

Các tập đoàn truyền thông lớn như Thông tấn xã, Đài truyền hình, Đài phát thanh, và nhiều báo khác của Séc đều cho rằng kỳ vọng của cuộc gặp Thượng đỉnh lần này tại Việt Nam cao hơn so với cuộc gặp lần trước diễn ra tại Singapore cách đây 8 tháng. Tại Singapore, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump lúc đó đồng ý theo đuổi phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, nhưng thỏa thuận đó không đưa ra một cam kết cụ thể nào và cũng chưa có cuộc gặp nào diễn ra kể từ thời điểm đó, nên giải trừ hạt nhân vẫn là vấn đề chính sẽ được thảo luận tại cuộc gặp ở Việt Nam lần này.

Triều Tiên rất muốn Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế làm tê liệt nền kinh tế của nước này nhiều thập kỷ qua - một điều mà Mỹ từ chối và đặt ra điều kiện với Triều Tiên để đạt được điều đó. Theo đó, Washington khẳng định rằng Bình Nhưỡng trước tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân một cách hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược, và tới khi đó các lệnh trừng phạt có thể sẽ được hủy bỏ. Vì vậy, theo truyền thông Séc, nếu cuộc gặp tại Hà Nội thành công, nó sẽ đặt ra một khung thời gian cụ thể cho việc giải trừ vũ khí hạt nhân tại Triều Tiên và đưa ra những biện pháp cụ thể để đạt được mục tiêu này.  

Trong khí đó, tờ Nhân dân có từ lâu đời của Séc có bài viết cho rằng sẽ là một thành công lớn tại Hà Nội nếu hai nhà lãnh đạo đồng ý ra một bản tuyên bố chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953mà cho tới nay vẫn chỉ có thỏa thuận ngừng bắn năm 1953 giữa hai miền. Nếu một tuyên bố như vậy được ký kết, nó sẽ giúp củng cố niềm tin lẫn nhau, cũng như khuyến khích Hàn Quốc và Triều Tiên nhanh chóng chính thức ký kết một hiệp ước hòa bình có giá trị quốc tế. Nó cũng sẽ mở đường cho việc thiết lập các văn phòng liên lạc cũng như quan hệ ngoại giao chính thức sau này giữa Mỹ và Triều Tiên.

Bên cạnh đó, các báo còn nhận định lý do Triều Tiên đồng ý chọn Việt Nam là địa điểm lý tưởng diễn ra cuộc gặp Thượng đỉnh lần thứ hai. Truyền hình Séc cho rằng Việt Nam từng trải qua cuộc chiến tranh với người Mỹ trước đây, nhưng giờ đây hai bên đã gác lại quá khứ và hợp tác chặt chẽ cùng nhau. Nhờ mở cửa nền kinh tế với thế giới, Việt Nam đang phát triển tích cực, thu hút nhiều vốn nước ngoài, tạo nhiều công ăn việc làm, sản xuất lương thực dồi dào – đây là tất cả những điều mà Chủ tịch Kim Jong Un khát khao mong muốn cho người dân Triều Tiên.

Điều này cũng được Đài phát thanh Séc nhận định khi trích dẫn câu nói tích cực của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên trang Twitter cá nhân tại Hà Nội ngày 26/2 rằng không có nhiều nơi trên thế giới đang phát triển thịnh vượng như Việt Nam và Triều Tiên sẽ có kết quả tương tự như thế nếu kế hoạch phi hạt nhân hóa được thực hiện./.