Trung Quốc đã nhiều lần đề cập khả năng gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhưng thông báo chính thức được đưa ra sau khi Mỹ thành lập liên minh 3 bên cùng với Australia, Anh. Mỹ thời gian qua liên tiếp có các bước đi nhằm tăng cường ảnh hưởng quân sự trong khu vực, nhưng khía cạnh kinh tế và thương mại vẫn được cho là điểm yếu của không những chính quyền Tổng thống Donlad Trump mà còn chính phủ đương nhiệm Joe Biden trong khu vực chiến lược này.
Mặc dù chưa có bất cứ động thái nào nhưng chính giới Mỹ bắt đầu có ý kiến kêu gọi Tổng thống Joe Biden quay trở lại Thỏa thuận mà Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi năm 2017. Sau RCEP, việc Trung Quốc tiến một bước nữa với CPTPP có nhiều khả năng sẽ “bịt lối” Mỹ quay trở lại Thỏa thuận, mở rộng ảnh hưởng kinh tế trong khu vực.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về quyết định của Trung Quốc có liên quan đến những bước đi gần đây của Mỹ hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định: “Việc Trung Quốc xin gia nhập CPTPP hoàn toàn không liên quan đến thỏa thuận 3 bên Mỹ-Australia và Anh. Tôi muốn nhấn mạnh rằng Trung Quốc là một bên ủng hộ tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và là một bên tham gia quan trọng trong hợp tác và hội nhập kinh tế ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Việc Trung Quốc chính thức xin gia nhập CPTPP một lần nữa thể hiện quyết tâm vững chắc của Trung Quốc trong việc mở rộng và mở cửa cũng như thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực”.
Bên cạnh cuộc cạnh tranh kinh tế với Mỹ, bước đi mới nhất của Trung Quốc gia nhập CPTPP cũng được cho là giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế quốc gia này hậu đại dịch. Với khuôn khổ RCEP vốn tập trung vào thị trường châu Á, trong đó có ASEAN, nhưng CPTPP có tầm ảnh hưởng sâu rộng ra những nước ngoài khu vực, do đó chính sách này sẽ thúc đẩy liên kết thương mại của Trung Quốc với toàn cầu.
Trong khi đó, sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận về Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sự tham gia của 2 quốc gia mới xin gia nhập là Anh và Trung Quốc sẽ làm gia tăng rất đáng kể phạm vi hiệu lực, quy mô thị trường và giá trị kinh tế thương mại cũng như ý nghĩa chiến lược của CPTPP. Tuy nhiên giới chuyên gia nhận định con đường gia nhập CPTPP của Trung Quốc không hề dễ dàng.
Theo cơ chế hoạt động của CPTPP, mọi quyết định về thêm, bớt nước tham gia phải có sự đồng thuận của toàn bộ thành viên. Trong tuyên bố mới nhất, Australia phản đối việc Trung Quốc gia nhập CPTPP, trừ khi Trung Quốc chấm dứt các hành động áp thuế lên hàng hóa xuất khẩu của nước này.
Không chỉ mâu thuẫn với lợi ích một số thành viên, chính sách kinh tế - thương mại của Trung Quốc cũng được cho là không tương thích với hiệp định. Các ứng cử viên đang tham gia vào cuộc đua Chủ tịch đảng cầm quyền Tự do Dân chủ (LDP) đều tỏ ra thận trọng đối với quyết định của Trung Quốc.
Ứng cử viên Funio Kishida nhận định: “Điều quan trọng là liệu Trung Quốc có sẵn sàng thực hiện các quy tắc tiêu chuẩn cao mà Hiệp định đặt ra hay không. Chúng ta cần phải xem xét vấn đề này thật cẩn thận”.
Hiện có 2 quốc gia thành viên chính thức xin gia nhập CPTPP. Tuy nộp đơn trước Trung Quốc chỉ vài tháng nhưng con đường để nước Anh bước chân vào CPTPP đang rộng mở hơn nhiều./.