Chiều 10/9, Chính phủ Nhật Bản đã chính thức ra quyết định mua lại 3 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku (Trung gọi là Điếu Ngư) từ chủ sở hữu tư nhân nhằm quốc hữu hóa quần đảo này. Động thái này của Nhật Bản đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc.

quan-dao-tranh-chap.jpg
Các nhà khảo sát Nhật ở Senkaku/Điếu Ngư ngày 2/9 (Ảnh: AFP)

Theo quyết định được đưa ra chiều 10/9, việc quốc hữu hóa quần đảo Senkaku nhằm duy trì và quản lý quần đảo một cách hòa bình và ổn định. Lực lượng tuần duyên Nhật Bản sẽ là cơ quan quản lý và bảo vệ quần đảo.

Dự kiến, ngày hôm nay (11/9), Chính phủ Nhật Bản sẽ thông qua quyết định trích từ quỹ ngân sách dự phòng cho năm tài chính 2012 số tiền cần thiết để mua lại 3 hòn đảo. Giá trị của vụ mua bán này là 2,5 tỷ yên (tương đương 26 triệu USD).

Trung Quốc, quốc gia cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku đã ngay lập tức lên tiếng phản đối mạnh mẽ quyết định quốc hữu hóa quần đảo của Chính phủ Nhật Bản. Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì ngay trong chiều 10/9 đã triệu tập Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Niwa đến Bộ ngoại giao nước này đã phản đối.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi trong cuộc họp báo ngày 10/9 khẳng định, các hành động đơn phương của Nhật Bản là phi pháp và vô hiệu. Trung Quốc đang xem xét các biện pháp đáp trả nếu kế hoạch quốc hữu hóa được xúc tiến.

Người phát ngôn Hồng Lỗi nói: “Chúng tôi đang theo dõi sự biến động của tình hình với sự chú ý sâu sắc. Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền quốc gia”.

Trong khi đó, Nhật Bản đang phát đi những tín hiệu cho thấy, nước này không mong muốn kế hoạch quốc hữu hóa quần đảo Senkaku sẽ khiến quan hệ Nhật - Trung thêm xấu đi.

Phát biểu trong cuộc họp báo chiều qua, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Fujimura không dưới 3 lần nhắc đi nhắc lại mục đích của kế hoạch quốc hữu hóa là nhằm duy trì và quản lý quần đảo một cách hòa bình và ổn định.

Không phải ngẫu nhiên ông Fujimura nhấn mạnh tới mục đích này bởi kế hoạch quốc hữu hóa quần đảo Senkaku được thực hiện một phần nhằm ngăn cản kế hoạch mua lại 3 hòn đảo của chính quyền thành phố Tokyo.

Thị trưởng Tokyo, ông Ishihara được biết đến như một chính trị gia có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa tuyên bố sẽ xây dựng các công trình dân sự trên quần đảo như cầu tàu, nơi tạm trú cho tàu đánh cá. Điều này chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc phản ứng dữ dội. Khi đó mối quan hệ Nhật Trung có thể rơi vào tình trạng khó kiểm soát.

Trong cuộc họp báo, Chánh văn phòng nội các Fujimura tái khẳng định, quan điểm của Chính phủ Nhật Bản về việc giữ nguyên hiện trạng quần đảo. Ông Fujimura cho biết, Chính phủ chưa hề tính đến kế hoạch xây dựng các công trình trên quần đảo. Đây được coi là động thái của Nhật Bản nhằm xoa dịu phản ứng của Trung Quốc.

Chánh văn phòng nội các Fujimura nói: “Nhật Bản hoàn toàn không mong muốn tình hình xoay quanh quần đảo Senkaku ảnh hưởng tới đại cục của mối quan hệ Nhật Trung. Với quan điểm tránh sự hiểu lầm và các tình huống ngoài dự đoán với Trung Quốc, Nhật Bản sẽ lắng nghe ý kiến của Trung Quốc và tăng cường trao đổi mật thiết giữa quan chức ngoại giao hai bên”.

Theo giới phân tích, với việc Nhật Bản phát đi thông điệp sẽ tiếp tục giữ nguyên trạng quần đảo Senkaku, quả bóng căng thẳng trong quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc tiếp tục căng ra hay xì bớt hơi phụ thuộc vào phản ứng tiếp theo của phía Trung Quốc./.