Vào ngày 20/5, Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo rằng nước Mỹ đang phá hoại các mối quan hệ quân sự giữa đôi bên bằng việc kết tội 5 sĩ quan Trung Quốc đã làm gián điệp mạng. Không những vậy, phía Trung Quốc còn cố lật ngược tình thế bằng cách gọi Washington là “kẻ tấn công lớn nhất vào không gian mạng của Trung Quốc”.

lenh%20bat%20si%20quan%20trung%20quoc%20fbi.jpg
Thông báo và hướng dẫn của FBI về việc lùng bắt các sĩ quan Trung Quốc (có ảnh kèm theo). Đoạn cuối của thông báo trên là: Nếu quý vị có bất cứ thông tin nào liên quan đến các cá nhân này, xin liên hệ với văn phòng FBI địa phương hoặc đại sứ quán/lãnh sự quán Mỹ gần nhất (ảnh: AP)

Trung Quốc tuyên bố, họ đã ngừng hợp tác với Mỹ trong một lực lượng chuyên trách hỗn hợp về an ninh mạng do bản luận tội mà Mỹ  đưa ra vào hôm 19/5, mà theo đó các sĩ quan Trung Quốc bị tố ăn cắp các bí mật thương mại từ các công ty lớn của Mỹ.

Vụ “khẩu chiến này” đánh dấu một bước leo thang mới trong các căng thẳng liên quan đến việc Mỹ phàn nàn về tình trạng quân đội Trung Quốc sử dụng các chiến thuật chiến tranh mạng để đánh cắp các bí mật thương mại nước ngoài nhằm hỗ trợ cho khu vực công nghiệp nhà nước.

Một hãng an ninh mạng của Mỹ, Mandiant, cho hay: Vào năm 2013 họ đã dò được các cuộc tấn công vào các công ty Mỹ xuất phát từ một đơn vị quân sự ở Thượng Hải.

>> Xem thêm:  Mỹ truy nã 5 sĩ quan quân đội Trung Quốc vì tội tấn công mạng

Các cáo buộc này là thách thức lớn nhất đối với mối quan hệ song phương kể từ cuộc họp vào hè 2013 giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình ở California.

Quan hệ Mỹ-Trung vốn dĩ căng thẳng sau các xung đột liên quan đến chủ quyền biển đảo ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, trong đó Mỹ coi các hành động của Trung Quốc là mang tính chất gây hấn.

Cho đến nay Bắc Kinh đã phủ nhận chuyện thực hiện hoạt động gián điệp thương mại và kêu ca chính mình mới là nạn nhân của các vụ hack máy tính. Tuy nhiên, về phần mình họ tỏ ít dấu hiệu là họ có điều tra các “khiếu kiện” của nước ngoài.

Một bản tin của Tân Hoa xã được phát trên sóng truyền hình quốc gia Trung Quốc có đoạn: “Cáo buộc của Mỹ chống lại nhân viên Trung Quốc hoàn toàn không có căn cứ và lố bịch”.

Ngay đêm 19/5 Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu tập Đại sứ Mỹ Max Baucus lên để thể hiện sự phản đối chính thức.

Trong khi đó Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã cảnh báo các cáo buộc của Mỹ sẽ dần dần làm băng giá mối quan hệ đang ấm lên giữa quân đội hai nước.

Cũng vào ngày 20/5, Cục Thông tin Internet của chính phủ Trung Quốc tuyên bố các mạng máy tính và website của Trung Quốc đã trở thành mục tiêu của hàng ngàn các cuộc tấn công mạng từ các máy tính ở Mỹ.

Tân Hoa xã dẫn một thông cáo của cục nói trên, khẳng định chính “Mỹ mới là kẻ tấn công lớn nhất vào không gian mạng của Trung Quốc”.  Theo đó, “Mỹ tấn công, xâm nhập và khai thác các mạng tin học thuộc về chính quyền, thể chế, doanh nghiệp, các trường đại học và các mạng lưới liên lạc xương sống của Trung Quốc”.

Bản cáo trạng do Mỹ đưa ra hôm 19/5 khẳng định quân đội Trung Quốc đã hack vào các nhà sản xuất công nghệ hạt nhân và năng lượng mặt trời của Mỹ, đánh cắp thông tin mật về kinh doanh, các bí mật thương mại nhạy cảm, và các liên lạc nội bộ. Các mục tiêu bao gồm các công ty Alcoa World Alumina, Westinghouse Electric Co., Allegheny Technologies, U.S. Steel Corp., nghiệp đoàn công nhân thép, và công ty SolarWorld.

Bộ Tư pháp Mỹ nói rằng các cáo buộc này là một lời kêu gọi cảnh tỉnh cấp quốc gia về các vụ xâm nhập không gian mạng. Giới chức Mỹ trước đó đã thông báo các chi tiết về các vụ hack bắt nguồn từ Trung Quốc nhưng cáo buộc vào hôm 19/5 là lần đầu tiên Mỹ nêu thẳng tên của từng cá nhân tin tặc Trung Quốc.

Khi thông báo việc ngừng phối hợp với Mỹ trong nhóm an ninh mạng, chính phủ Trung Quốc còn cảnh báo sẽ trả đũa thêm nữa nếu “tình hình xấu đi”.

Nhóm an ninh mạng nói trên được lập ra vào tháng 4/2013 sau khi xuất hiện các cáo buộc dưới dạng văn bản về hoạt động gián điệp của quân đội Trung Quốc. Nhóm này tổ chức cuộc họp đầu tiên vào tháng 7/2013.

Cáo trạng mới cố gắng phân biệt giữa theo dõi phục vụ mục đích an ninh quốc gia mà Mỹ đã thừa nhận mình có làm, với gián điệp kinh tế nhằm chiếm được lợi thế kinh doanh cho các công ty tư nhân.

Mỹ phủ nhận theo dõi tình báo vì mục đích lợi thế thương mại.

Bản luận tội hôm 19/5 cho biết các hacker Trung Quốc đã ăn cắp thông tin doanh nghiệp và công đoàn, bao gồm các thông số chi tiết cho đường ống Westinghouse, hay giá cả và thông tin chiến lược của SolarWorld.

Các công tố viên Mỹ cho biết: Làm việc tại trụ sở ở Thượng Hải, các hacker Trung Quốc trong một vài trường hợp đã truy cập được các mạng máy tính Mỹ bằng cách gửi email giả (trông như thật) chứa các mã độc tới các nhân viên công ty.

>> Xem thêm:  Mỹ truy nã 5 sĩ quan quân đội Trung Quốc vì tội tấn công mạng

Bộ Tư pháp Mỹ đã nhận dạng được cả 5 hacker Trung Quốc và phát các tờ thông báo truy nã./.