Ngày 4/2, Đại sứ Trung Quốc tại Syria cho biết, Bắc Kinh sẽ viện trợ 150.000 liều vaccine phòng Covid-19 cho Syria, nhưng không nêu lịch trình cụ thể.

Trước đó, ngày 1/2, một lô vaccine gồm 500.000 liều của công ty Sinopharm (Trung Quốc) tặng cho Pakistan cũng đã được đưa đến thủ đô Islamabad của nước này.

Ngoài hai quốc gia trên, vaccine Covid-19 của hai nhà sản xuất Trung Quốc là Sinovac và Sinopharm đã được viện trợ cho hơn chục quốc gia đang phát triển khác trên thế giới.

Theo số liệu của Bộ Ngoại giao nước này, tính đến ngày 1/2, Trung Quốc đã cung cấp vaccine cho 14 quốc gia, trong đó có nhiều nước Đông Nam Á, như Brunei, Philippines, Myanmar, Campuchia, Lào. Trong thời gian tới, hơn 38 quốc gia khác cũng sẽ nhận được vaccine do nước này viện trợ.

Bên cạnh việc tặng và viện trợ cho nhiều nước, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện có hơn 40 quốc gia có nhu cầu nhập khẩu vaccine của Trung Quốc. Nước này đến nay đã có trong tay hợp đồng của ít nhất 16 quốc gia và vùng lãnh thổ với lượng đặt mua hơn 500 triệu liều.

Mặc dù các loại vaccine của Trung Quốc đã tiến hành đủ 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người và được dùng để tiêm khẩn cấp cho hàng chục triệu người dân Trung Quốc. Nước này cũng từng khẳng định các biến chủng của SARS-CoV-2 không ảnh hưởng nhiều tới hiệu quả của vaccine do Trung Quốc sản xuất. Tuy nhiên, ngoài số liệu của Sinopharm công bố hồi cuối năm 2020, Sinovac – công ty sản xuất vaccine CoronaVac vẫn chưa ra thông báo chính thức về độ an toàn và tính hiệu quả, dấy lên hoài nghi về độ minh bạch và chất lượng của loại vaccine này.

Nhiều chuyên gia phương Tây cho rằng, Trung Quốc đang thực hiện ngoại giao vaccine trong nỗ lực phục hồi hình ảnh và gia tăng tầm ảnh hưởng toàn cầu./.