Ngày 4/6, báo Inquirer (Philipines) đưa tin, Tòa án Trọng tài Quốc tế Thường trực (PCA) đã gửi yêu cầu phía Trung Quốc phải gửi bản phản biện trước ngày 15/2 đối với vụ tranh chấp vùng biển với Philippines.
Dù Trung Quốc từng từ chối tham gia vụ kiện này nhưng PCA cho biết nghĩa vụ của Tòa theo Công ước là phải đảm bảo cho mỗi bên “đều có đầy đủ cơ hội được lắng nghe và trình bày”.
Các thẩm phán của Tòa án Trọng tài Quốc tế thụ lý vụ kiện Philippines (Ảnh: Inquirer) |
PCA ở The Hague, Hà Lan là cơ quan quốc tế được thành lập theo Công ước Hague 1899 chuyên xử lý tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Với vai trò trọng tài, hoà giải, tìm kiếm sự thật nhằm dàn xếp các bất đồng giữa các nước, các tổ chức và cá nhân.
Trong tuyên bố được đăng tải lên trang web của PCA ở The Hague (La Haye) – Hà Lan nêu rõ “Trong án lệnh số 2, PCA xác định ngày 15/2 là thời hạn cuối để phía Trung Quốc nộp Bản phản biện đối với Bản ghi nhớ của Philippines”.
“PCA cũng sẽ xác định giai đoạn tiếp theo của vụ kiện, cũng như các văn bản đệ trình cần thiết vào lúc thích hợp sau khi đã tiếp nhận ý kiến của các bên”- PCA tuyên bố.
Vụ kiện bắt nguồn từ yêu sách của Trung Quốc khẳng định rằng “chủ quyền” nước này bao trùm gần hết khu vực Biển Đông theo đường 9 đoạn mà Trung Quốc tự đặt ra. “Đường 9 đoạn” bao gồm cả vùng Đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines (EEZ). Trong văn bản yêu cầu của PCA, Trung Quốc sẽ phải giải thích về “tính hợp lệ” của yêu sách “đường 9 đoạn này”.
Sau khi đệ đơn vào năm ngoái và theo yêu cầu của PCA, Philippines đã nộp Bộ hồ sơ 4.000 trang gồm Bản ghi nhớ và các bằng chứng phản đối Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài Quốc tế vào ngày 30/3/2014. Tuy nhiên, đến tận bây giờ, Trung Quốc vẫn cương quyết từ chối tham dự vụ kiện.
Theo AP, ngày 4/6, các quan chức Philippines đã lên tiếng thúc ép Trung Quốc để tham gia vào quá trình tranh luận và phản biện trước Tòa.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nhấn mạnh: “Tòa án Trọng tài Quốc tế là một cơ chế giải quyết hòa bình, cởi mở, một giải pháp lâu dài cho các bên tranh chấp”./.