Không phải ngẫu nhiên mà cả thế giới quan tâm đến cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra 4 năm một lần ở Mỹ. Với vị thế là một đương kim siêu cường, mọi sự thay đổi trên chính trường Mỹ, đặc biệt là ai sẽ làm chủ Nhà Trắng đều có thể tác động đến cục diện thế giới. Nhiệm kỳ 4 năm vừa qua của Tổng thống Donald Trump đã cho thấy sự đổi thay nhanh chóng và rõ rệt ấy.
Với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, nếu như ở châu Âu dù khá thận trọng và không thể hiện công khai, nhưng qua các phát biểu gián tiếp chính giới châu lục này vẫn tỏ ra nghiêng về ứng cử viên của Đảng Dân chủ John Biden, thì ở Trung Quốc "không can thiệp vào nội bộ của nước khác" là quan điểm xuyên suốt của chính phủ nước này. Không chỉ các quan chức, ngay đến báo chí chính thống của Bắc Kinh cũng rất hiếm khi đăng tải các thông tin liên quan đến việc lôi kéo cử tri của các ứng cử viên.
Nhưng không thể hiện quan điểm, không đồng nghĩa với không quan tâm. Là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và đang có mối quan hệ "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt" với Mỹ, hơn ai hết Trung Quốc dành nhiều sự chú ý tới sự kiện này. Đây thực sự là một trong những chủ đề "hot" của dư luận nước này trong những ngày qua, đặc biệt là khi càng gần đến ngày bầu cử. Báo giới và nhiều nhà nghiên cứu của Trung Quốc liên tục cập nhật tình hình và bình luận về cuộc bầu cử này.
Tất nhiên, đa phần thông tin sẽ là phản ánh diễn biến của sự kiện, trong đó có không ít những lời chỉ trích kiểu như: bầu cử ở Mỹ đang kéo lùi cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu bởi vấn đề này đang bị chính trị hóa, hay người dân Mỹ đã quá mệt mỏi trước các trò chơi chính trị và tình hình bất ổn đang bao trùm nước Mỹ, đối với người Trung Quốc bầu cử Mỹ chẳng qua chỉ là một "trò vui"...
Có những nhóm hội trên WeChat - một ứng dụng nhắn tin phổ biến ở Trung Quốc còn tự mở các cuộc bỏ phiếu dành cho 2 ứng cử viên của Mỹ với kết quả bất phân thắng bại.
Họ, những cư dân mạng Trung Quốc, đã đặt cho ông Trump và ông Biden những cái tên rất Trung Hoa và đầy hàm ý, như ông Trump thì là "Xuyên Kiến Quốc", trong đó Xuyên là phiên âm viết tắt tên ông, còn Kiến Quốc là xây dựng đất nước, tức ám chỉ ông Trump đã giúp Trung Quốc xây dựng đất nước tốt hơn. Còn ông Biden là "Bái Chấn Hoa", cũng với nguyên tắc tượng tự, Bái là chữ đầu của tên ông Biden khi được dịch sang tiếng Trung và Chấn Hoa có nghĩa là chấn hưng Trung Hoa.
Giới học thuật Trung Quốc cũng không hẳn nghiêng về ứng cử viên nào trong cuộc bầu cử lần này ở Mỹ, dù trước đó báo chí Mỹ cho rằng nhiều quan chức và học giả Trung Quốc mong Tổng thống Trump tái đắc cử.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng NHK của Nhật Bản mới đây, ông Kim Xán Vinh, giáo sư khá có tiếng tăm về quan hệ quốc tế của Đại học Nhân dân Trung Quốc cho biết, điều mà ông lo ngại là "khủng hoảng hiến pháp" (Constitutional crisis) hậu bầu cử ở Mỹ, bởi có thể khoảng cách số phiếu giữa các ứng cử viên là rất sít sao.
Theo ông, 3 tháng trước thời điểm chính phủ mới ở Mỹ thành lập, tức trước ngày 20/1/2021 là thời điểm "rất nguy hiểm" và nếu xảy ra một cuộc khủng hoảng như vậy thì liệu nó sẽ tác động như thế nào tới quan hệ Trung-Mỹ, đây mới là điều đáng quan tâm. Còn nếu khi đã biết ai lên làm Tổng thống Mỹ thì Trung Quốc đã sẵn sàng với các kịch bản khác nhau, bởi theo ông, giờ đây Bắc Kinh đã đủ "tự tin" về mặt chiến lược để đối phó với Washington.
Tuy nhiên, trước đó, cũng chính ông từng bày tỏ, giới trí thức Trung Quốc phần lớn mong ông Biden giành chiến thắng.
Trong khi đó, ông Diêm Học Thông, một giáo sư nổi tiếng khác của Trung Quốc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quan hệ quốc tế của Đại học Thanh Hoa lại chọn Tổng thống Trump. Ông từng nói: "Nếu bạn hỏi tôi về lợi ích của Trung Quốc, tôi sẽ nghiêng về ông Trump, mà không phải ông Biden. Không phải vì ông Trump sẽ gây thiệt hại ít hơn cho lợi ích của Trung Quốc so với ông Biden, mà bởi vì ông ấy chắc chắn sẽ gây thiệt hại cho Mỹ nhiều hơn ông Biden".
Dù vậy, cũng theo học giả này, dù ai trở thành Tổng thống tiếp theo của Mỹ đều sẽ không tạo nên sự thay đổi căn bản trong chính sách của nước này với Bắc Kinh. Chỉ là những vấn đề quan tâm của từng người khác nhau. Ông Trump có thể chú trọng hơn về "lợi ích kinh tế" với Trung Quốc, nhưng người khác lại có thể đặt kinh tế xuống vị trí thứ yếu và chú tâm hơn vào vấn đề "chế độ chính trị" hay bất đồng ý thức hệ.
Với ông, nếu sự quan tâm đặt vào vấn đề chính trị thì mâu thuẫn giữa hai bên sẽ còn lớn hơn và các biện pháp ứng phó với Bắc Kinh sẽ trở nên "cực đoan" hơn. Bởi cách thức đối phó với các xung đột ý thức hệ thường "cứng rắn" và "gay gắt" hơn các xung đột về kinh tế.
Nhìn chung, đa phần phân tích của Trung Quốc cho rằng, sau 4 năm Tổng thống Trump cầm quyền, chính sách của Mỹ đối với nước này giờ đây đã định hình ở tầm chiến lược với sự nhất trí cao trong cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Cục diện căng thẳng trong quan hệ giữa 2 bên trên hầu hết mọi mặt trận sẽ còn tiếp diễn trong thời gian dài sắp tới. Thậm chí có bình luận cho rằng, nếu Trung Quốc trông đợi vào kết quả cuộc bầu cử này để có thể lật ngược tình thế trong cuộc đấu giữa hai bên là "ấu trĩ" và "ảo tưởng".
Nhiều phân tích nhận định, giờ đây, thái độ "cứng rắn" đối với Trung Quốc đã bao trùm xã hội Mỹ, sự khác biệt giữa ông Trump và ông Biden sau khi trở thành ông chủ Nhà Trắng nếu có, thì chỉ là "cách thức" và "chiến thuật" đối phó với Bắc Kinh mà thôi.
Để khơi dậy tinh thần đoàn kết trước khó khăn trong người dân và khẳng định quyết tâm thực hiện các kế hoạch và mục tiêu đã đề ra cho tương lai, báo chí Trung Quốc kết luận, 4 năm cầm quyền vừa qua của ông Trump đã giúp nước này "thức tỉnh", buộc họ phải trỗi dậy mạnh hơn, tự chủ hơn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Họ hy vọng đến một lúc nào đó Washington sẽ tự nhận thấy "chung sống hòa bình" với Bắc Kinh mới là sự lựa chọn đúng đắn./.