Trung Quốc hôm nay (24/6) đã đệ đơn kiện lên WTO về các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp của Australia đối với một số mặt hàng của nước này.
Trong một thông báo đăng trên trang web chính thức, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đã đệ đơn kiện theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO đối với các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp mà Australia áp dụng đối với các mặt hàng trục bánh xe đường sắt, tháp gió và các sản phẩm bồn rửa bằng thép không gỉ nhập khẩu từ Trung Quốc.
Chiều cùng ngày, khi đề cập đến quyết định kiện Australia, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết, nước này phản đối việc lạm dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Bắc Kinh hy vọng thông qua việc đưa các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp của Australia lên cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc, cũng như thẩm quyền và hiệu quả của hệ thống thương mại đa phương và WTO.
Ông Cao Phong cũng kêu gọi Canberra “có những hành động thiết thực” sửa chữa việc làm sai trái và đưa các vấn đề thương mại sớm trở lại bình thường.
Trước đó, hôm 19/6, Australia đã nộp đơn khiếu nại lên WTO về các mức thuế mà Bắc Kinh áp dụng vào năm ngoái khiến việc xuất khẩu rượu vang của nước này vào thị trường Trung Quốc gần như chấm dứt hoàn toàn.
Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne sau đó tuyên bố rằng động thái của Australia có thể thúc đẩy các cuộc đàm phán song phương giữa Australia và Trung Quốc.
Canberra từng nhiều lần cho rằng Bắc Kinh đã phớt lờ những lời kêu gọi của Australia tổ chức cuộc gặp song phương để giải quyết căng thẳng thương mại.
Hồi tháng 5, Trung Quốc thông báo ngưng "vô thời hạn" đối thoại kinh tế với Australia, diễn biến mới nhất trong rạn nứt ngoại giao ngày càng lớn giữa hai quốc gia.
Đây là lần thứ hai Australia nộp đơn khiếu nại lên WTO trong vòng 6 tháng qua. Canberra đã nộp đơn khiếu nại chính thức yêu cầu WTO xem xét lại quyết định của Trung Quốc áp đặt các mức thuế quan cao hơn 80% đối với lúa mạch nhập khẩu từ nước này vào tháng 12 năm ngoái.
Quan hệ giữa Australia và Trung Quốc trở nên xấu đi kể từ khi Canberra cấm Tập đoàn công nghệ Huawei tham gia phát triển mạng 5G vào năm 2018, đặc biệt là sau khi nước này kêu gọi mở một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc Covid-19. Đáp trả, Trung Quốc đã áp thuế đối với các hàng hoá của Australia, gồm cả rượu vang và lúa mạch, cũng như hạn chế nhập khẩu thịt bò, than và nho./.