Theo Reuters, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh ngày 11/2 đã tuyên bố như trên và bày tỏ hy vọng Tây Ban Nha có thể “đưa ra cách ứng xử phù hợp” liên quan đến vấn đề này.

“Việc vấn đề này có thể được giải quyết thỏa đáng hay không sẽ liên quan trực tiếp đến mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước”, bà Hoa Xuân Doanh nhấn mạnh.

Ông Giang Trạch Dân (trái) và ông Lý Bằng tại Hội nghị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc ở Đại Lễ đường Nhân dân Trung Hoa ngày 3/3/2002 (Ảnh Reuters)

Trong khi đó, Nghị viện Tây Ban Nha ngày 11/2 đã thảo luận về một dự luật nhằm giảm quyền lực của tòa án nước này liên quan đến các vụ vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới.

Cuộc họp của Quốc hội Tây Ban Nha diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Tòa án Tây Ban Nha ra lệnh bắt giữ cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân và cựu Thủ tướng Lý Bằng với cáo buộc liên quan đến các vụ diệt chủng ở Tây Tạng.

Chánh án Tòa án Tối cao Tây Ban Nha Judge Ismael Moreno ngày 11/2 đã ra lệnh bắt giữ cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân và cựu Thủ tướng Lý Bằng và 3 quan chức Trung Quốc khác.

Trung Quốc ngay sau đó đã phản đối quyết định của Tòa án Tây Ban Nha và kêu gọi Tây Ban Nha gỡ bỏ lệnh bắt giữ trên.

Luật pháp Tây Ban Nha hiện công nhận hiệu lực pháp lý của các phán quyết của mình trên toàn cầu. Điều này có nghĩa là các tội ác chống lại nhân loại trên thế giới đều có thể được xét xử ở nước này.

Chính vì thế, các Thẩm phán tại Tây Ban Nha đã gây ra rất nhiều căng thẳng về ngoại giao với các nước khác do họ đã đưa ra phán quyết bắt giữ nhiều quan chức hoặc cựu quan chức của Chile, Mỹ, Trung Quốc và Israel được cho là liên quan đến các vụ diệt chủng, tra tấn hoặc vi phạm quyền con người.

Dự luật mới được thảo luận này được Đảng Nhân dân trung hữu cầm quyền đề xuất vào cuối tháng trước trong thời điểm vụ việc tại Tây Tạng mới được đệ trình lên tòa án.

Theo đó, dự luật này sẽ hạn chế các Thẩm phán Tây Ban Nha chỉ được đưa ra phán quyết trong các vụ án nếu bị cáo là người Tây Ban Nha hoặc đang sinh sống tại Tây Ban Nha.

Đảng Xã hội đối lập cho biết sẽ phủ quyết dự luật trên nhưng điều này không có nhiều ý nghĩa bởi Đảng Nhân dân cầm quyền chiếm đa số áp đảo trong Nghị viện.

Nếu dự luật này được thông qua, lệnh bắt giữ của Tòa án Tây Ban Nha đưa ra sau vụ kiện của nhiều nhóm người Tây Tạng và một nhà sư Tây Tạng có quốc tịch Tây Ban Nha sẽ không thể thực hiện được.

Trong khi đó, người phát ngôn Cảnh sát Quốc gia Tây Ban Nha đã từ chối cho biết liệu cảnh sát nước này có thực thi lệnh bắt giữ nói trên cũng như yêu cầu Interpol phát lệnh truy nã hay không./.