Trung Quốc đã chủ ý “lên kế hoạch” cho vụ đụng độ hồi tháng 6 tại thung lũng Galwan, trong bối cảnh nước này đang tăng cường chiến dịch gây hấn với các nước láng giềng, khiêu khích các các cuộc đối đầu quân sự và bán quân sự với nhiều nước từ Nhật Bản tới Ấn Độ và đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á. Đây là kết luận trong một báo cáo của Ủy ban Giám sát An ninh và Kinh tế Trung - Mỹ công bố ngày 2/12.
Trong bản báo cáo trình Thượng viện Mỹ, Ủy ban này cho biết ‘có một số bằng chứng gợi ý rằng chính phủ Trung Quốc đã lên kế hoạch cho vụ việc (tại Galwan), bao gồm cả khả năng dẫn tới thiệt hại về sinh mạng’.
Ủy ban điều tra của Mỹ lấy ví dụ việc Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã đưa ra tuyên bố khuyến khích ‘việc sử dụng vũ lực để thúc đẩy ổn định’ vài tuần trước vụ xung đột.
Ngoài ra, 1 tuần trước vụ việc chết người, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã huy động một lực lượng lớn binh lính, có thể lên tới 1.000 người tới thung lũng Galwan.
Đêm 15/6, một vụ ẩu đả lớn đã xảy ra giữa binh lính Ấn Độ và Trung Quốc tại thung lũng Galwan, ở phía Đông vùng Lãnh thổ Liên bang Ladakh và nằm dọc theo đường Kiểm soát Thực tế (LAC) giữa hai nước.
Vụ va chạm này khiến 20 binh lính Ấn Độ thiệt mạng, là kết quả của một loạt cuộc đối đầu từ đầu tháng 5 tại nhiều khu vực trên đường LAC. Trong khi Trung Quốc không công bố con số thương vong. Đây là lần đầu tiên có thiệt hại về người trong các vụ tranh chấp lãnh thổ giữa Ấn Độ và Trung Quốc kể từ năm 1975.
Báo cáo dẫn lời nghiên cứu viên cao cấp của Viện Brookings Tanvi Madan cho rằng, nếu mục tiêu của Trung Quốc từ các hành động này là ‘giành được lãnh thổ... thì chính phủ Trung Quốc có thể coi là thành công’. “Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh có ý định ngăn cản New Delhi xây dựng cơ sở hạ tầng dọc theo đường LAC phía Ấn Độ, hoặc cảnh báo nước này không nên liên minh với Mỹ, thì các động thái của Trung Quốc đã không hiệu quả, nếu không muốn nói là phản tác dụng." Báo cáo viết.
Ủy ban cấp cao của Mỹ cũng cho biết, mặc dù cả Ấn Độ và Trung Quốc đã có nhiều cuộc đụng độ dọc theo biên giới trong quá khứ, nhưng kể từ năm 2012, hai nước đã chứng kiến 5 cuộc xung đột lớn tại biên giới. Đây là một sự gia tăng rất đáng chú ý.
Phía Mỹ cũng cho rằng, động cơ chính xác đằng sau hành vi khiêu khích của Trung Quốc tại đường LAC vẫn chưa rõ ràng. Tình hình dọc đường LAC giữa Ấn Độ và Trung Quốc vẫn căng thẳng kể từ vụ đụng độ hồi tháng 6.Hai bên đã tổ chức 8 vòng đàm phán quân sự ở cấp Tư lệnh Quân đoàn tại biên giới, cùng các cuộc tiếp xúc giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng, tuy nhiên vẫn chưa mang lại kết quả đáng kể nào. Hai nước được cho là vẫn duy trì 100.000 binh lính cùng nhiều vũ khí hạng nặng dọc tuyến biên giới./.