Hôm 13/3, phiên họp toàn thể lần thứ 4 kỳ họp lần thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa 13 đã tiến hành thảo luận Phương án cải cách bộ máy chính phủ của nước này.

c001ec6ad8f0b87952be00c7bb0e85f6_dkpe_yifc.jpg
Một phiên họp của Quốc hội Trung Quốc khóa 13. Ảnh: The Australian.

Theo Phương án được đưa ra, bộ máy chính phủ của Trung Quốc (Quốc vụ viện) sẽ bao gồm 26 Bộ và Ủy ban, giảm 8 cơ quan ngang Bộ và 7 cơ quan dưới Bộ so với trước đây. Các Bộ mới được thành lập bao gồm Bộ Tài nguyên tự nhiên, Bộ Môi trường sinh thái, Bộ Nông nghiệp nông thôn, Bộ Văn hóa du lịch (trên cơ sở sáp nhập Bộ Văn hóa và Bộ du lịch), Bộ các vấn đề cựu chiến binh và Bộ Tình trạng khẩn cấp.

Phương án cải cách bộ máy chính phủ lần này cũng hợp nhất chức năng của nhiều cơ quan nhằm giảm thiểu tình trạng chồng chéo chức năng của nhiều cơ quan, đơn vị trực thuộc Quốc vụ viện như thành lập Tổng cục quản lý giám sát thị trường đảm nhiệm chức năng của Tổng cục hành chính công thương, Tổng cục giám sát kiểm nghiệm chất lượng, Tổng cục quản lý giám sát thực phẩm dược phẩm.

Phương án cũng đề cập việc thành lập Ủy ban quản lý giám sát bảo hiểm ngân hàng trên nền tảng chức năng nhiệm vụ của Ủy ban quản lý giám sát ngân hàng và Ủy ban quản lý giám sát bảo hiểm, thành lập Cục quản lý di dân quốc gia trên cơ sở hợp nhất chức năng quản lý xuất nhập cảnh và kiểm soát biên phòng, cải cách thể chế quản lý và thu thuế trên cơ sở hợp nhất các cơ quan thu quốc thuế, địa thuế từ cấp Tỉnh trở xuống...     

Phương án cải cách cơ cấu bộ máy chính phủ được đưa ra thảo luận tại Quốc hội Trung Quốc lần này được các chuyên gia đánh giá là nhằm tinh giản bộ máy, tăng cường chức năng quản lý hành chính của nhà nước theo hướng khoa học, hiệu quả hơn.  Được biết từ khi tiến hành cải cách mở cửa cho đến nay, Trung Quốc đã tiến hành 7 lần cải cách bộ máy chính phủ./.