Ngày 17/3, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) khoá 12 của Trung Quốc đã kết thúc kỳ họp thứ nhất. Tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội đã thông qua việc bổ nhiệm hàng loạt các chức vụ chủ chốt của Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ Trung Quốc, đồng thời xem xét và thông qua nhiều nghị trình quan trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao của Trung Quốc. Và một thế hệ lãnh đạo mới đã được định hình ở Trung Quốc.

Thế hệ lãnh đạo thứ 5

Trong kỳ họp này, thế hệ lãnh đạo thứ 5 ở Trung Quốc đã được định hình. Ông Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), đã củng cố vai trò lãnh đạo khi được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước và Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương.

tapcanbinh-2.jpg
Nguyên Chủ tịch Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào (trái) và tân Chủ tịch Tập Cận Bình (Ảnh Tân Hoa Xã)

Về lập pháp, ông Trương Đức Giang, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương (CPC), được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội thay cho ông Ngô Bang Quốc. Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc khóa 12 gồm 13 Phó Chủ tịch. Ông Vương Thần được bầu làm Tổng Thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về mặt hành pháp, các đại biểu Quốc hội Trung Quốc đã bầu ông Lý Khắc Cường, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương CPC, làm Thủ tướng thay ông Ôn Gia Bảo.

 Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội Trung Quốc đã bầu ra lãnh đạo của các cơ quan tư pháp như Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Đáng chú ý, tại kỳ họp này, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua kế hoạch cải cách cơ cấu chính phủ nhằm hạn chế tình trạng quan liêu và nâng cao hiệu quả hoạt động của chính phủ. Những cải cách này đánh dấu đợt cải tổ chính phủ lớn nhất của Trung Quốc kể từ năm 1998 và là đợt cải cách cơ cấu thứ 7 của Chính phủ Trung Quốc trong vòng 3 thập niên qua. Đây là một phần trong các nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng một chính phủ hiệu quả, dựa trên luật pháp với phân cấp quyền lực, phân phối hợp lý nguồn lực và các trách nhiệm được định rõ.

Số bộ trong Chính phủ Trung Quốc giảm từ 27 bộ xuống còn 25 bộ, trong đó đáng chú ý Bộ Đường sắt, vốn là tâm điểm gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua, bị giải thể. Một đống thái không chỉ gây chú ý trong nước là Cục Hải dương Quốc gia cũng được tái cơ cấu để quản lý thống nhất các lực lượng thực thi luật biển.

Những tham vọng của Chính phủ mới

Phát biểu trong buổi họp báo đầu tiên kể từ khi nhậm chức hôm 17/3, tân Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết ba nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ là duy trì tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân nhân và bảo vệ công bằng xã hội. Ông nói: " Về nhiệm vụ quan trọng nhất, tôi cho rằng đó là đảm bảo tăng trưởng kinh tế liên tục".

Theo ông Lý Khắc Cường, để đạt được các mục tiêu gấp đôi mức GDP/đầu người và thu nhập cá nhân của năm 2010 vào năm 2020, Trung Quốc cần phải đạt được mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 7,5% trong những năm tới và đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng.

 Nhiệm vụ thứ hai mà Chính phủ Trung Quốc phải đối mặt là không ngừng cải thiện đời sống nhân dân bằng cách gia tăng thu nhập của các cư dân thành thị và nông thôn, đặc biệt là những người nghèo, và mở rộng quy mô của tầng lớp có thu nhập trung bình.

 Coi công bằng xã hội là "nguồn gốc của sáng tạo" và "thước đo" để đánh giá sự hài lòng của công chúng, ông Lý Khắc Cường khẳng định đó là nghĩa vụ pháp lý mà chính phủ mới cần đảm bảo. Đây cũng là nhiệm vụ thứ ba của Chính phủ nước này.

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần phải xây dựng một chính chính phủ đổi mới, trong sạch và tuân thủ pháp quyền. Bên cạnh đó, ông Lý Khắc Cường cũng cam kết đối phó với tình trạng ô nhiễm và các vấn đề an toàn thực phẩm bằng "nắm đấm thép và giải pháp rắn".

Chính sách đối ngoại đang thay đổi?

Phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, tân Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định quyết tâm thực hiện mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả, thúc đẩy toàn diện xây dựng kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, văn minh sinh thái xã hội chủ nghĩa, đi sâu cải cách mở cửa, đẩy mạnh phát triển khoa học, không ngừng thực hiện vững chắc cơ sở văn hoá vật chất cho "giấc mộng Trung Hoa".

Về mặt đối ngoại, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy hoà bình, phát triển, hợp tác, kiên trì con đường phát triển hoà bình, theo đuổi chiến lược cởi mở cùng có lợi, phát triển hợp tác hữu nghị với các nước trên thế giới, thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế.

Cùng ngày, phát biểu với các phóng viên, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên thế giới, thúc đẩy quan hệ với các cường quốc, trong đó có Mỹ và Nga. Ông Lý Khắc Cường nói: "Trung Quốc có hơn 1,3 tỷ dân và chúng ta vẫn đang trên con đường hiện đại hóa. Điều đó đòi hỏi một môi trường quốc tế hòa bình bền vững".

Đối với quan hệ Trung-Mỹ, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định Chính phủ Trung Quốc cam kết thúc đẩy quan hệ với Mỹ, đồng thời nhận thấy triển vọng lớn về thương mại và đầu tư giữa hai bên. Theo ông Lý Khắc Cường, ban lãnh đạo mới của Trung Quốc "coi trọng" các mối quan hệ với Mỹ và sẽ cộng tác với chính quyền của Tổng thống Barack Obama để đưa các mối quan hệ lên một tầm cao mới.

Về quan hệ với Nga, ông Lý Khắc Cường cho biết quan hệ Trung - Nga là mối quan hệ thiết thực, cần được cả hai bên nỗ lực thúc đẩy. Ông hy vọng trao đổi thương mại song phương sẽ nhanh chóng gia tăng so với mức 80 tỷ USD/năm hiện nay.

Đối với các nước láng giềng, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục làm việc với các nước láng giềng nhằm thúc đẩy sự hợp tác theo tinh thần đôi bên cùng có lợi, cùng nhau đưa sự hợp tác lên một tầm cao mới, để hợp tác và phát triển hòa bình trở thành xu thế không thể đảo ngược.

Trước những quan ngại của nhiều nước về sự trỗi dậy của Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố Trung Quốc có khả năng đạt được tăng trưởng bền vững và một nước Trung Quốc hùng mạnh hơn sẽ không tìm kiếm bá quyền.

Theo mạng tin “Đa chiều” của Trung Quốc, trong giai đoạn từ năm 2004 tới năm 2011, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đều theo kiểu “Nguyện đồng lòng cùng với cộng đồng quốc tế, tạo đóng góp mới cho sự nghiệp cao cả vì hòa bình và phát triển của nhân loại”. Nhưng đến năm 2012, đã có sự điều chỉnh theo kiểu: “Chúng tôi (Trung Quốc) kiên định đi theo con đường phát triển hòa bình, kiên trì chính sách ngoại giao hòa bình, độc lập tự chủ, thực thi chiến lược mở cửa cùng có lợi, cùng thắng, nỗ lực không ngừng cùng với các nước trên thế giới thúc đẩy văn minh tiến bộ nhân loại, hạnh phúc của nhân dân các nước và xây dựng thế giới hài hòa, cùng phồn vinh và hòa bình lâu dài”.

Như vậy, có thể thấy trong hai năm qua, Trung Quốc đã thay đổi về quan điểm ngoại giao và sự chuyển biến về chất chỉ bắt đầu xuất hiện trong năm 2013. Trước năm 2011, Trung Quốc nói rằng “nguyện” đóng góp cho hòa bình và sự phồn vinh chung của thế giới; năm 2012 là “sẽ” kiên định không ngừng phấn đấu vì hòa bình và sự phồn vinh chung của thế giới; tới năm 2013 là Trung Quốc “sẽ tiếp tục” thúc đẩy hòa bình và sự phồn vinh chung của thế giới.

Bình luận về việc Trung Quốc thay đổi quan điểm đối ngoại, mạng tin này cho rằng trong những năm gần đây, thách thức ngoại giao lớn nhất mà Trung Quốc phải đối mặt là vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển với các nước láng giềng. Năm 2012, vấn đề Biển Đông trở nên nóng bỏng nên trong kỳ họp Quốc hội năm đó, Trung Quốc đã đưa việc xử lý quan hệ ngoại giao với các nước xung quanh lên vị trí hàng đầu. Sau đó, mâu thuẫn Trung-Nhật về đảo Điếu Ngư/Senkaku trở nên gay gắt đã thúc đẩy Trung Quốc triệt để thay đổi thái độ trong vấn đề phát triển hòa bình./.