Truyền thông Trung Quốc công bố thông tin trên vào hôm 5/6. Hoạt động bắt giữ này là một phần trong chiến dịch trấn áp sau khi xảy ra các vụ tấn công chết người mà người ta quy trách nhiệm cho các phần tử Hồi giáo và các chiến binh khác.

bat%20giu%20nguoi%20tan%20cuong.jpg
Tân Cương chưa thôi bất ổn (ảnh: thepolitic)

Các nghi phạm bị giam giữ ở thủ phủ Urumqi, nơi đã diễn ra một vụ đánh bom tự sát khiến 39 người thiệt mạng vào tháng 5, cổng tin tức của chính quyền đưa tin thông báo.

Cổng tin tức Xinjiang Net tuyên bố: “Chiểu theo luật pháp, kể từ ngày 31/5 các công tố viên thành phố đã nhanh chóng phê chuẩn lệnh bắt 29 người bị nghi phạm các tội kích động ly khai, tụ tập gây rối, các hoạt động thương mại phi pháp và xúi giục hận thù dân tộc và phân biệt đối xử giữa các dân tộc”.

Trang web của Urumqi không cung cấp thêm chi tiết.

Giới chức Trung Quốc đã phát động một chiến dịch “chống khủng bố” kéo dài cả năm trên quy mô toàn quốc và ở Tân Cương, nơi có số lượng lớn người thiểu số Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo. Trong chiến dịch này hàng trăm nghi phạm đã bị bắt giữ.

Các chuyên gia cho hay, việc những người Duy Ngô Nhĩ bị gạt sang bên lề trong đời sống kinh tế là một trong những nguyên nhân chính gây ra bạo lực. Họ lập luận rằng các lợi ích từ việc phát triển vùng Tân Cương (giàu tài nguyên và nằm ở vị trí chiến lược trên biên giới của vùng Trung Á hậu Xô viết) chủ yếu rơi vào tay người Hán chiếm đa số, gây tích tụ dần sự bất mãn trong tộc người Duy Ngô Nhĩ.

Các nhóm đấu tranh phàn nàn rằng những người Duy Ngô Nhĩ (nói ngôn ngữ Turk) bị phân biệt đối xử trong quá trình tuyển dụng. Các công ăn việc làm thường rơi vào tay các nhóm công nhân di cư từ nhiều vùng khác của Trung Quốc đến đây.

Bấy lâu nay nhiều người Duy Ngô Nhĩ bực dọc về việc phải chịu các hạn chế về ngôn ngữ và văn hóa.

>> Xem: Giải mã nỗi sợ Trung Hoa

Trong khi đó Bắc Kinh cho biết các nhóm ly khai ở Tân Cương đang nỗ lực thành lập nhà nước riêng của mình gọi là Đông Turkestan, mặc dù các chuyên gia tranh cãi về mức độ và tầm ảnh hưởng của nhóm nổi bật nhất trong số này, Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM).

Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết sẽ xóa đói giảm nghèo và cải thiện quan hệ giữa các dân tộc ở Tân Cương, một dấu hiệu cho thấy lãnh đạo nước này ý thức về một số nguyên nhân gây ra bạo động./.