Tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan đến chủ quyền ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt khi liên tiếp hai ngày qua, tàu hải giám của Trung Quốc đi vào vùng biển 12 hải lý thuộc quần đảo trên.

Trong khi đó, lại xuất hiện những diễn biến mới trong cuộc tranh chấp, khi cả hai nước này đang nỗ lực tăng cường tuyên truyền, nhằm giải thích, cũng như mong muốn nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với chủ quyền của mình.

quan-dao.jpg
Đảo Outsuri, hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Senkaku (Ảnh: Reuters)

Báo chí Nhật Bản đưa tin, nước này sẽ thay đổi phương thức né tránh sự công kích của Trung Quốc trước đây, thay vào đó áp dụng chiến thuật nghênh chiến trực diện, nhằm bác bỏ những lập luận của phía Trung Quốc. Phát biểu với báo giới hôm 2/10 tại Tokyo, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba nhấn mạnh, Nhật Bản cần phải khẳng định lập trường của mình đối với cộng đồng quốc tế một cách rõ ràng và dễ hiểu nhất.

Thông tin cho biết, Bộ Ngoại giao Nhật đang biên soạn tài liệu với tên gọi: “Ba sự thật lớn về Senkaku”, với các nội dung chính như: khẳng định Senkaku là một phần lãnh thổ của Nhật Bản dựa trên các yếu tố lịch sử và luật pháp quốc tế, việc quốc hữu hóa Senkaku là nhằm mục đích duy trì quản lý quần đảo một cách ổn định. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng sẽ chỉ thị cho các cơ quan đại diện ở nước ngoài lấy cuốn tài liệu này làm cơ sở để tuyên truyền với cộng đồng quốc tế. Đây được coi là hành động đáp trả lại việc Trung Quốc trước đó đã ra sách trắng về đảo Điếu Ngư.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Pakistan hôm thứ 3/10 vừa qua đã đăng quảng cáo trên một tạp chí tiếng Anh địa phương, khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với đảo Điếu Ngư. Đây là lần thứ 2 trong vòng một tuần qua, Trung Quốc đăng quảng cáo về chủ quyền đảo Điếu Ngư tại báo chí nước ngoài.

Trước đó, hôm 28/9, báo China Daily của Trung Quốc đăng quảng cáo hai trang về  Điếu Ngư trên báo The New York Times và The Washington Post của Mỹ. Tổng lãnh sự Nhật tại New York cùng ngày cũng đăng bài viết trên tờ New York Times, phản bác lại ý kiến của một học giả Đài Loan về chủ quyền của Trung Quốc đối với đảo Điếu Ngư./.